25 năm kể từ khi được tái lập, với hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, Đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Xuyên đã đưa địa phương từng bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một huyện thuần nông trở thành địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.
25 năm là cả chặng đường không mệt mỏi để tạo lập nên diện mạo mới của vùng đất, con người Bình Xuyên hôm nay luôn năng động, sáng tạo để nỗ lực khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng của huyện Bình Xuyên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc.
Cách đây 25 năm, thực hiện Nghị định số 36/1998 của Chính phủ, huyện Bình Xuyên chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1998. Với xuất phát điểm là huyện thuần nông, kinh tế xã hội còn thấp kém, kết cấu hạ tầng lạc hậu, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy, khi mới tái lập, huyện Bình Xuyên phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức.
Ý thức sâu sắc về khó khăn, thách thức của những năm đầu tái lập, nhận diện rõ những tiềm năng lợi thế của địa phương khi nằm giữa 2 trung tâm kinh tế, văn hóa - chính trị phát triển của tỉnh là Vĩnh Yên và Phúc Yên, gần Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, có Quốc lộ 2, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Xuyên đã hạ quyết tâm sớm đưa địa phương thoát khỏi tình trạng kém phát triển bằng những giải pháp đột phá, trọng tâm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, động lực cho sự phát triển KT-XH.
Huyện ủy Bình Xuyên đã ban hành Nghị quyết 03 về tăng cường lãnh đạo quy hoạch và phát triển cụm công nghiệp làng nghề huyện Bình Xuyên. Trên cơ sở Nghị quyết, với những chủ trương, giải pháp đúng đắn là cơ sở, tiền đề quan trọng để Bình Xuyên tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Kiên định với mục tiêu phát triển công nghiệp, huyện Bình Xuyên đã được tỉnh quy hoạch là địa phương trọng điểm công nghiệp với các khu, cụm công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh. Từ khi tái lập đến nay, Huyện Bình Xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung vận động Nhân dân dành gần 2.000ha đất phục vụ cho sản xuất công nghiệp với những dự án để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nhà đầu tư, tiêu biểu như các dự án Khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.
Đến nay, Bình Xuyên đã có 6/7 Khu công nghiệp và 02 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được hơn 300 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD và trên 43 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 3.200 tỷ đồng. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện có sự phát triển, lớn mạnh, khẳng định được vị thế như: Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty Cổ phần thép Việt - Đức, Tập đoàn Prime Group, Công ty Nissin, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo. Bình Xuyên cũng là mảnh đất vàng thu hút các dự án lớn của tỉnh như Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc liên doanh giữa tập đoàn T&T và tập đoàn YCH Singapore; dự án của tập đoàn Polaris Hoa Kỳ.
Để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Huyện Bình Xuyên xác định khâu then chốt để tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư đó là tập trung giải phóng mặt bằng và tái định cư; từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện với phương châm dân chủ - công bằng - công khai các chế độ chính sách, tạo sự tin tưởng trong Nhân dân, đồng thời quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, đào tạo nghề, chăm lo đến các đối tượng dễ bị tổn thương sau khi giành đất cho phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng KT-XH.
Cùng với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được huyện quan tâm tạo điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống đã trở thành thương hiệu trong phát triển tiểu thủ công nghiệp của Bình Xuyên là làng nghề gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng được huyện chú trọng đầu tư, hướng tới các sản phẩm ngày càng đa dạng và có chất lượng cao, góp phần quan trọng vào tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Đi đôi với phát triển công nghiệp, Bình Xuyên luôn quan tâm phát triển ngành nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai có hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Để đảm đảm bảo các yếu tố của huyện công nghiệp, Bình Xuyên đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 tập trung xây dựng Bình Xuyên đến năm 2025 trở thành thị xã. Đến nay, toàn huyện đã có 5 thị trấn và 1 đô thị loại V.
Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Đến năm 2026, toàn huyện có 10/10 xã được công nhận xã Nông thôn mới và Bình Xuyên là huyện thứ 26 của cả nước được công nhận huyện NTM. Hiện nay, huyện Bình Xuyên đang tiếp tục giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, thực hiện tốt kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo được huyện đặc biệt quan tâm với việc ban hành nghị quyết chuyên đề số 02 về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, toàn huyện có 33% số trường đạt chuẩn mức độ 2. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà luôn không ngừng được nâng lên.
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá, Bình Xuyên luôn chú trọng phát triển lĩnh vực văn hoá tương xứng với phát triển kinh tế, trong đó xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch Bình Xuyên và đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở. Các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Kéo song Hương Canh được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Huyện Bình Xuyên cũng đang tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để triển khai xây dựng các Làng văn hoá kiểu mẫu, trong đó Làng văn hoá kiểu mẫu Tam Quang, Thị trấn Gia Khánh đi đầu về tiến độ triển khai và khánh thành đúng dịp Bình Xuyên kỷ niệm 25 năm tái lập.
Công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quan tâm. Cơ sở vật chất các trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, các chương trình MTQG về y tế được triển khai thực hiện tốt. Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên với quy mô 200 giường bệnh được xây dựng nâng cấp với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng, dự kiến khánh thành vào năm 2025, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn.
25 năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội được các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Bình Xuyên đặc biệt quan tâm với các chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Các chế độ đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Năm 1998: 12,6% hộ nghèo, 2,7% hộ đói. Năm 2023: 0,57% hộ nghèo, 1,57 % hộ cận nghèo, không còn hộ đói. Thu nhập bình quân đầu người 60,3 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động/năm.
25 năm qua, với hướng đi đúng, bước đi thích hợp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp gắn với khai thác những tiềm năng, lợi thế vốn có, huyện Bình Xuyên đã đạt được những kết quả hết sức tự hào. Năm 2000: Giá trị sản xuất đạt 275 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 65%, công nghiệp 18%, dịch vụ 17%; tổng thu ngân sách 24,8 tỷ đồng. Năm 2023: Tăng trưởng kinh tế bình quân 22,61%/năm; cơ cấu kinh tế: công nghiệp xây dựng 97,34%; thương mại dịch vụ 2,09%; nông lâm nghiệp thuỷ sản 0,56%. Thu ngân sách năm 2022 đạt gần 4.600 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1.900 tỷ đồng.
Với phương châm xây dựng Đảng là then chốt, trong suốt chặng đường 25 năm kể từ khi tái lập, Đảng bộ huyện Bình Xuyên không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên. Từ 44 chi, Đảng bộ trực thuộc với 3.400 đảng viên khi mới tái lập huyện, đến nay Đảng bộ huyện đã có 56 chi, Đảng bộ trực thuộc với hơn 6.000 đảng viên. Các cấp uỷ Đảng huyện Bình Xuyên đã tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết T.Ư 4 các khoá XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề án của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức.
Đặc biệt, nhiều nhiệm kỳ gần đây, với phương châm hướng về cơ sở, sát dân, gần dân, cấp uỷ, chính quyền huyện Bình Xuyên đã bám sát thực tiễn cuộc sống, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương giao nhiệm vụ, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, coi đây là giải pháp đột phá thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Xuyên đạt được trong 25 năm qua, huyện Bình Xuyên được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Pháp, Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2002, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 năm 2004, Huân chương lao động hạng 2 năm 2008, Huân chương lao động hạng nhất năm 2013; Tỉnh ủy tặng cờ thi đua cho Đảng bộ huyện đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh năm 2012.
Với những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo, Bình Xuyên hôm nay đã vươn mình, xứng tầm với vị thế của huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc và hứa hẹn tiếp tục vươn xa trên con đường hội nhập, phát triển và sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã Bình Xuyên.
Ngọc Anh