Cập nhật: 19/09/2023 14:19:00
Xem cỡ chữ

Xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn lao, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa các giá trị sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ làng nghề.

Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân là 1 trong 4 địa phương của huyện Vĩnh Tường được chọn thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Nhân Dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi, đồng thuận bắt tay triển khai thực hiện bởi họ mong muốn thông qua Đề án góp phần thúc đẩy nghề rèn truyền thống phát triển. Người dân cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cùng với các cấp, các ngành trong việc triển khai du lịch trải nghiệm. Trên địa bàn thôn Bàn Mạch hiện có trên 1.000 hộ dân với gần 3.400 nhân khẩu, trong đó, có hơn 90% hộ dân theo nghề rèn truyền thống.

Chính quyền và Nhân dân trong thôn nhận thấy, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của địa phương, là động lực xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao. Hơn nữa việc thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Nghề rèn truyền thống của xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã có từ lâu đời. Những năm gần đây, học tập đức tính cần cù, chịu khó của Bác Hồ, một số hộ dân thôn Bàn Mạch đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động, đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, các công đoạn sản xuất nghề rèn truyền thống Lý Nhân chủ yếu bằng thủ công; ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, máy móc đã dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động nay đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy.

Hộ kinh doanh Trọng Bình, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân chuyên sản xuất và kinh doanh các loại: Dao thép đen, Dao thép trắng và nông cụ. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hộ kinh doanh Trọng Bình đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy chặt thép công suất lớn, máy đột dập, máy cán, máy mài, máy hàn và máy khắc laze thương hiệu… 

Để nâng cao năng suất lao động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài sản xuất sản phẩm dao truyền thống, hộ kinh doanh Trọng Bình đã và đang ứng dụng công nghệ mới, sử dụng nguyên liệu nhập từ nước ngoài, tập trung vào dòng sản phẩm dao thép trắng không gỉ chuyên phục vụ cho căn bếp gia đình, nhà hàng, khách sạn. Để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, hộ kinh doanh Trọng Bình đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng online, như: Shopee, Lazada, Facebook, TikTok... Các sản phẩm nghề rèn giới thiệu trên các trang mạng được thiết kế đẹp, mẫu mã bắt mắt, thuận tiện cho người mua.

Ngoài mô hình tự sản xuất và thương mại thành phẩm đó là các sản phẩm được lao động lành nghề sản xuất tại xưởng từ khâu cắt phôi thép tới khâu hoàn thiện sản phẩm xuất bán; hộ kinh doanh Trọng Bình còn chuyên gia công một số công đoạn cho các hộ sản xuất trên địa bàn xã Lý Nhân như: thực hiện hình thức đặt gia công thành phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi thương mại bán hàng. Mô hình này đã gián tiếp hỗ trợ hàng trăm hộ sản xuất trên địa bàn xã có công việc thường xuyên, ổn định sản xuất. Hiện tại, hộ kinh doanh Trọng Bình giải quyết việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Để góp phần phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn, phát huy nghề rèn truyền thống của quê hương, anh Phùng Văn Đô, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, tiên phong, năng động, nhanh nhạy, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Năm 2014, anh là người cùng sáng lập HTX rèn Thanh niên Lý Nhân.

Nắm bắt được xu hướng của thị trường, năm 2020 bên cạnh sản phẩm dao thép đen truyền thống, gia đình anh Đô đã sản xuất được sản phẩm dao thép trắng như dao chặt, dao thái, dao bầu, dao gọt hoa quả, dao lọc chuyên dụng… cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn với đặc tính ưu việt không han gỉ, mẫu mã đẹp, chất lượng bền bỉ.

Năm 2022, anh Phùng Văn Đô đại diện cho HTX rèn Thanh niên xã Lý Nhân tham gia đăng ký bộ sản phẩm dao nhà bếp (8 con) đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn mới tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc. Năm 2023, anh Phùng Văn Đô tiếp tục đăng ký tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn mới tiêu biểu cấp quốc gia…

Gia đình anh Đô đã đầu tư xây dựng lán xưởng quy mô 250m2 cùng hệ thống máy móc hiện đại như: máy búa hơi, máy đột dập, máy ép thủy lực, máy hàn, lò nung trung tần… Hình thức bán hàng: có 60% sản phẩm bán buôn qua hệ thống đại lý trên cả nước, 40% bán lẻ qua các cộng tác viên bán hàng trực tiếp và bán hàng qua trang mạng xã hội cá nhân. Hiện tại, gia đình anh Đô đang tạo công ăn việc làm ổn định sản xuất tại xưởng cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là bước tiến quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian, kiến trúc văn hóa làng, xã nông thôn truyền thống; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. 

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; nhà thờ tổ làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân sẽ được xây dựng, đây cũng là nơi trưng bày, trải nghiệm cho du khách. Khi đó, thôn Bàn Mạch không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm rèn mà còn là một địa chỉ du lịch văn hóa. Việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ đưa làng nghề lên tầm cao mới. Những người làm nghề rèn không chỉ được hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà còn có cơ hội được quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

Thúy Hơn