Cập nhật: 05/10/2023 09:12:00
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, nhiều đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm khắc song các vi phạm liên quan đến pháo vẫn diễn biến phức tạp.

Nếu như những năm trước đây, các hành vi vi phạm liên quan đến pháo thường xảy ra vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán thì hiện nay, nhiều đối tượng thay đổi phương thức hoạt động, thực hiện hành vi mua bán pháo trái phép từ trong năm để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng. Vụ việc Công an huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa phát hiện là một ví dụ điển hình.

Hồi 17h45, ngày 25/9/2023, tại xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Công an huyện Vĩnh Tường bắt quả tang đối tượng Lê Thị Hoài Thanh, sinh năm 1996, ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường có hành vi buôn bán pháo nổ trái phép. Tang vật thu giữ 05 hộp pháo hoa nổ có khối lượng 8,315kg.

Thanh khai nhận số pháo nổ nêu trên là của Đỗ Văn Quang, sinh năm 1989, chồng của Thanh bảo mang đi bán hộ nhưng Thanh chưa kịp bán thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ. Khám xét nhà ở của Thanh, Cơ quan Công an phát hiện thêm 23 hộp pháo hoa nổ có khối lượng 43,792 kg. Tổng khối lượng pháo thu giữ là 51,107kg.

Hơn 10 năm qua, đa số quần chúng Nhân dân đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, đốt pháo nổ. Đặc biệt, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137, ngày 27/11/2020 thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết và trong một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác.

Các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ vẫn bị nghiêm cấm. Vì vậy, người dân cần chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật, không sản xuất mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ trái phép, vừa vi phạm pháp luật vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tính mạng.

Trong vụ việc nêu trên, đối tượng liên quan đã bị khởi tố về tội Buôn bán hàng cấm và sẽ đối diện với mức phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 đến 10 năm. Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Tường đang củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an Thành phố Vĩnh Yên xử phạt nguội gần 250 trường hợp vi phạm luật giao thông.

Từ ngày 15/9/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Vĩnh Yên chính thức xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh. Sau 3 tuần triển khai, Công an thành phố Vĩnh Yên đã xử phạt gần 250 trường hợp người điều khiển xe ô tô vi phạm luật giao thông với các lỗi phổ biến là chạy quá tốc độ, không tuân thủ tín hiệu của đèn giao thông.

Từ ngày 15/9 đến nay, qua kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ 199 mắt camera ở các nút giao thông trên địa bàn thành phố, Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vĩnh Yên phát hiện 242 trường hợp vi phạm TTATGT. Trong đó lỗi vi phạm chạy quá tốc độ cho phép là 223 trường hợp; không chấp hành tín hiệu của đèn tín hiệu giao thông là 19 trường hợp, với tổng số tiền phạt 644 triệu đồng.

Những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã được Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố tổng hợp và tra cứu dữ liệu, sau đó sẽ gửi thông báo về nơi cư trú của chủ phương tiện về từng lỗi vi phạm; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời mời chủ phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan công an để hoàn tất các thủ tục xử phạt theo quy định.

Sau 15 ngày thực hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Vĩnh Yên chưa gặp vấn đề trục trặc về kỹ thuật. Hình ảnh dữ liệu truyền từ camera đến hệ thống chỉ huy rất rõ, nét nên không khó để xác định được lỗi vi phạm của các phương tiện.

Ngoài phục vụ công tác xử lý nguội, thông qua hệ thống camera giám sát, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể biết được khu vực nào có mật độ phương tiện đông, có thể gây ùn tắc giao thông để kịp thời điều động Cảnh sát giao thông đến điều tiết đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường.

Thúy Hơn