Cập nhật: 14/10/2023 21:43:00
Xem cỡ chữ

Khi nói đến làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở Vĩnh Phúc thì không thể không nói đến làng nghề gốm Hương Canh ở thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên.

Hương Canh là một miền quê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Vùng đất này còn lưu giữ được nhiều ngôi đình, ngôi chùa cổ được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây còn nổi tiếng khắp cả nước với lễ hội kéo Song. Hương Canh còn được biết đến với các sản gốm tinh xảo được làm bằng loại đất chỉ nơi này mới có.

Tùy vào từng sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài, tròn để khi đưa lên bàn xoay ghép lại được dễ dàng hơn. Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đất đã thành hình, thành khối. Sản phẩm truyền thống của làng gốm Hương Canh là chum, vại, ấm, chén. Sản phẩm mang hình dáng mộc mạc nhưng khỏe khoắn. Tuy nhiên, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, người thợ gốm Hương Canh đã tìm tòi và tạo ra những sản phẩm gốm mang tính nghệ thuật cao.

Không lộng lẫy, cũng chẳng cầu kỳ với nhiều màu men khác lạ như những dòng gốm khác, gốm Hương canh đẹp ở sự mộc mạc, giản dị và ở mỗi một sản phẩm gốm là vẻ đẹp của hồn quê và của người thợ. Trải qua bao thăng trầm nhưng lò gốm vẫn ngày đêm đỏ lửa và giữ được những nét tinh hoa của cha ông để lại. Thị trấn Hương Canh và các hộ dân ở làng gốm này vẫn đang cố gắng duy trì và phát triển làng nghề gắn với loại hình du lịch trải nghiệm.

Thời gian qua, nhờ có cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Hương Canh, lễ hội kéo song nên làng nghề gốm Hương Canh có điều kiện để phát triển du lịch. Du khách khi đến thăm điểm di tích lịch sử, xem lễ hội kéo song còn có cơ hội đến tham quan làng gốm Hương Canh để ngắm những sản phẩm gốm đặc sắc của nghệ nhân làng nghề. Đồng thời, còn được trải nghiệm trực tiếp tự tay mình làm một số sản phẩm gốm.

Nhắc đến xã Yên Phương người ta thường hình dung về một vùng đất với những cánh đồng, triền dâu xanh trù phú, những người nông dân hay lam hay làm, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Ít tai nghĩ rằng trên mảnh đất thuần nông ấy, từ lâu còn tồn tại một làng nghề mộc thủ công truyền thống vang danh khắp vùng châu thổ. Đó là làng nghề mộc Lũng Hạ.

Theo các cụ cao niên ở làng Lũng Hạ kể rằng, làng Lũng Hạ xưa vốn là một làng quê thuần nông. Để giải quyết việc làm những lúc nông nhàn, các cụ tiền bối đã đi nhiều nơi làm thuê kiếm sống, học nghề rồi về quê gây dựng thành nghề truyền thống cho làng. Đến giờ làng nghề mộc Lũng Hạ cũng đã gần 300 năm tuổi. Theo thống kê, hiện làng nghề mộc Lũng Hạ đang có hơn 171 hộ dân tham gia làm nghề với các sản phẩm chủ yếu là mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ như: bàn ghế, tủ thờ, hoành phi câu đối, lục bình…Để nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường đem lại hiệu quả kinh tế, trong một vài năm gần đây những hộ làm mộc ở lũng hạ đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay trong làng vẫn duy trì hình thức thủ công.

Theo lời kể của những người thợ làm mộc ở làng Lũng Hạ thì để làm ra một sản phẩm mộc mĩ nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu chọn gỗ. Gỗ thường được tập kết ở một số địa phương lân cận, sau đó xẻ và phân loại, chọn lọc. Tiếp theo là tạo nền, tạo dáng. Thường thì người thợ sẽ vẽ mẫu ra giấy trước, sau khi cảm thấy được mới in vào gỗ. Sau đó, người thợ sẽ dùng máy làm nền hạ thô và làm các chi tiết trên sản phẩm. Khâu chạm trổ do thợ chạm đảm nhận. Những người thợ với tài năng, trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo của mình đã thổi hồn vào từng thớ gỗ, tạo nên những hình tượng mới lạ trên nền gỗ. Đây chính là cốt lõi tạo nên sự độc đáo và khác lạ của mộc Lũng Hạ so với các làng nghề mộc khác.

Khoảng chục năm trở lại đây, do nhu cầu sử dụng đồ gỗ trang trí phục vụ không gian thờ cúng trong gia đình, nhiều hộ trong làng nghề chuyển sang làm các sản phẩm mộc mỹ nghệ, hoành phi, câu đối, án gian, sập thờ, sập ngồi…Để giúp người thợ đỡ vất vả, sản xuất được nhanh và số lượng được nhiểu hơn, nhiều hộ làm nghề ở đây đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm mộc mang hồn cốt của mộc Lũng Hạ thì bên cạnh việc sử dụng máy chạm tự động họ vẫn chạm thủ công theo yêu cầu của khách hàng.

So với nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác thì nghề mộc đang là một trong những nghề mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ sản xuất, kinh doanh ở thôn Lũng Hạ. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Yên Phương luôn quan tâm và có những giải pháp để phát triển nghề mộc truyền thống ở thôn Lũng Hạ.

Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thì những sản phẩm của làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần đến gần hơn với nhiều người. Nhưng điều khiến các sản phẩm truyền thống đi xa hơn vẫn là nhờ vào sự nỗ lực và trí tuệ của con người. Vượt qua thách thức của thời gian và địa lý, với sự kiên trì giữ gìn tinh hoa làng nghề của những nghệ nhân lão làng cùng với sự tiếp nối của những thế hệ trẻ nối nghiệp cha ông đã giúp cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có cơ hội được vươn xa hơn.

Nghề làm mây tre đan ở Triệu Đề hay vùng núi Thét xã Hải Lựu huyện Sông Lô với truyền thống sản xuất sản phẩm đá mỹ nghệ, cho đến những chiếc dao tinh xảo được sản xuất từ làng rèn Bàn Mạch xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường... Tất cả đều cả đều có lịch sử lâu đời, dù ít nhiều mai một nhưng không vắng bóng những nghệ nhân lão làng vẫn ngày ngày kiên trì với nghề truyền thống của cha ông để lại.

Chính nhờ sự kiên trì, truyền tình yêu với sản phẩm truyền thống ấy đã giúp cho những thế hệ trẻ ở làng nghề ngày một ý thức và không ngừng sáng tạo gìn giữ sản phẩm trong những hình hài mới, bắt kịp với dòng chảy của thời gian. Nhiều làng nghề đã đổi mới cách thức sản xuất, đa dạng những hình thức thể hiện sản phẩm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay thợ và tình yêu nghề tạo ra những sản phẩm độc đáo tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa làng nghề được thị trường đón nhận tích cực. Trong xu hướng phát triển của thời đại ngày nay thì hầu hết các làng nghề của tỉnh đã có những bước chuyển mình để tạo ra những sự thay đổi. Hy vọng thời gian tới, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của tỉnh sẽ mạnh dạn áp dụng nền tảng công nghệ số vào việc sản xuất, phát triển. Để làm được đồng bộ việc này cần có sự hướng dẫn, đào tạo cũng như sự hỗ trợ của tỉnh để các làng nghề, các xã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế một cách bài bản, chủ động hơn nữa. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần chủ động hơn trong việc thay đổi liên tục về thiết kế mẫu mã, đa dạng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mai Hương