Cập nhật: 30/10/2023 10:12:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện Quyết định số 155 ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022- 2025; Kế hoạch số 126 ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Thực hiện Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; trong tháng 9 và tháng 10 năm 2023, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã cử các đoàn y, bác sỹ phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai khám sàng lọc các rối loạn tâm thần tại địa bàn các xã, thị trấn.

Có nhiều nguyên nhân gây nên các rối loạn tâm thần như: do tổn thương não hoặc ngoài não gây ảnh hưởng đến hoạt động của não; do căng thẳng tâm lý dẫn đến bệnh tâm căn; rối loạn dạng cơ thể, bệnh loạn thần phản ứng; rối loạn stress sau sang chấn; rối loạn hành vi thanh thiếu niên do giáo dục không tốt, môi trường giáo dục không thuận lợi; rối loạn ám ảnh, lo âu... Ngoài ra, còn do nguyên nhân cấu tạo bất thường của cơ thể gồm (các dị tật bẩm sinh, thiếu sót về hình thành nhân cách....). Hiện nay, các rối loạn thần kinh thường gặp là bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc và động kinh nguyên phát.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tổ chức hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác dự phòng. Phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc tại cộng đồng, đến tận các hộ gia đình lập hồ sơ, bệnh án để theo dõi và cấp phát thuốc điều trị.

Năm 2023, Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám sàng lọc sức khỏe tâm thần cho 4.500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm sàng lọc phát hiện sớm các bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh động kinh, tâm thần phân liệt, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối nhiễu tâm trí khác ở giai đoạn đầu, điều trị can thiệp kịp thời. Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ tàn tật, tử vong do các rối loạn tâm thần; góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế xãhội.

Để công tác khám sàng lọc được thuận lợi, đảm bảo kết quả chính xác, khách quan, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình khám sàng lọc, cách phát hiện một số rối loạn tâm thần, bệnh tự kỷ ở trẻ em cho cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Y tế thôn, bản. 

Tại buổi tập huấn, cán bộ y tế được cung cấp kiến thức về các biểu hiện lâm sàng, phương pháp chẩn đoán, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị một số bệnh như: Trầm cảm, động kinh, tâm thần phân liệt... Chương trình góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm đang được quản lý và điều trị. Từ đó, giúp cán bộ y tế tuyến xã có khả năng chủ động khám sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị sớm các rối loạn tâm thần thường gặp, đặc biệt là phát hiện sớm rối loạn tâm thần tuổi học đường, trẻ em tự kỷ để can thiệp điều trị sớm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Vừa qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã cử các đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện điều tra 4.500 hộ tại 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để sàng lọc phát hiện những thành viên trong gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần; khám sàng lọc kết hợp làm các test tư vấn giáo dục sức khỏe tâm thần cho người dân. Việc đoàn bác sĩ đến tận địa phương để khám sàng lọc đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Sau khi khám, người dân được bác sĩ tư vấn rõ ràng về bệnh tình, hướng dẫn để họ có chế độ làm việc, nghỉ ngơi kết hợp tập thể dục phù hợp giúp nâng cao sức khỏe.

Trong quá trình khám sàng lọc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh phối hợp với các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình, quy định về khám sàng lọc sức khỏe tâm thần; kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Đối tượng thăm khám chủ yếu là người có một hoặc nhiều các biểu hiện rối loạn tâm thần như: có bất thường về suy nghĩ, lời nói, hành vi; người trầm cảm, buồn chán, bi quan, lo âu, mất ngủ; người bị thay đổi nhân cách và hành vi sau khi bị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, động kinh; người bị rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy; trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, tăng động; người già bị Alzheimer, sa sút trí tuệ...

Sau hai tháng triển khai, các y, bác sỹ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã điều tra trên 4.500 hộ với hơn 21.600 người, trong đó phát hiện hơn 1.400 trường hợp mắc các rối loạn tâm thần. Các trường hợp này đều được tư vấn và hướng dẫn hướng điều trị cụ thể. Qua công tác khám sàng lọc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng năm 2023, nhiều trường hợp bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các bác sĩ đã có những tư vấn để bệnh nhân kịp thời điều trị.

Việc phát hiện sớm các rối loạn tâm thần sẽ làm giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần đi đến mạn tính và tàn phế, làm giảm tỷ lệ gây rối trật tự xã hội và giảm tỷ lệ tử vong, sớm giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần triển khai tại cộng đồng mang tính an sinh xã hội lớn. Người bệnh trong diện quản lý được khám, chữa bệnh miễn phí, được tư vấn nâng cao nhận thức về bệnh, phục hồi chức năng giúp tái hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi nhất ngay tại gia đình và tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, ưu điểm của chương trình là người bệnh có thể được điều trị tại cộng đồng, không phải nằm viện, do đó gia đình ít tốn kém chi phí đi lại, phục vụ người bệnh. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, đẩy lùi quan niệm mê tín dị đoan về bệnh tâm thần. Mục tiêu của chương trình là hướng tới người bệnh tâm thần có thể được chăm sóc hòa nhập ngay tại cộng đồng. Do đó rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ phía xã hội, nhất là gia đình, người thân.

Thúy Hơn