Cập nhật: 11/11/2023 09:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây nhiều học sinh bậc THCS, THPT đã gặp phải những áp lực về tâm lý, khi áp lực dồn nén dẫn đến hành vi tiêu cực, để lại hậu quả rất đau lòng. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, đồng hành, chia sẻ giúp các em vượt qua những áp lực về tâm lý.

Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống.

Học hành căng thẳng, áp lực thi cử hay những kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ, thầy cô, nhà trường... là những nguyên nhân tạo nên sự dồn nén về tâm lý cho các em học sinh. Khi những cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày sẽ khiến các em cảm thấy bế tắc, nếu thiếu sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ cha mẹ, thầy cô giáo trẻ sẽ có những hành động khó kiểm soát.

Theo kết quả khảo sát của Tổ Tư vấn tâm lý, Trường THPT Kim Ngọc, thành phố Vĩnh Yên, vào đầu năm học 2023-2024 cho thấy, toàn trường có hơn 100 em học sinh rơi vào tình huống lo âu, căng thẳng, thậm trí có những em đã rơi vào tình trạng trầm cảm.

Dựa trên kết quả đó, Tổ Tư vấn tâm lý của trường đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm các lớp và phụ huynh học sinh tăng cường nắm bắt tâm lí học sinh để kịp thời phát hiện các em có dấu hiệu về tâm lý để tư vấn giúp các em giải tỏa những áp lực. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để giảm căng thẳng cho học sinh. Nhờ sự động viên, quan tâm của các thầy cô, các em học sinh sẵn sàng chia sẻ với thầy cô, bạn bè những vấn đề bản thân đang gặp phải và lấy lại cân bằng trong cảm xúc tâm lý của mình.

Hiện nay, đa phần các Trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, tuy nhiên hoạt động tư vấn vẫn chủ yếu dừng lại ở hình thức tham vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của học sinh mà chưa trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu cần trợ giúp về tâm lý, sức khỏe, giáo dục của học sinh.

Vì vậy, cùng với sự cố gắng của các nhà trường, các bậc phụ huynh cũng nên dành nhiều thời gian hơn, quan tâm, sâu sát hơn, luôn là điểm tựa tâm lý vững chắc, tin cậy, giúp con em vượt qua những tác động, khó khăn trong quá trình học tập và cuộc sống.

Thu Hoài