Từ năm 2018 đến nay, toàn quốc phát hiện, bắt giữ gần 20.000 vụ, hơn 31.000 đối tượng thu giữ 5.000 khẩu súng các loại, hơn 700.000 viên đạn và hơn 28.000 vũ khí thô sơ. Đặc biệt là tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và các loại dao gây án vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Từ đó cho thấy quá trình triển khai, thực hiện Luật quản lý sử dụng VK-VLN và CCHT đã phát sinh một số bất cập, không phù hợp và chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay.
Mới đây, có 9 đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện Bình Xuyên bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích. Xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp quán bán hàng, Nguyễn Đình Giáp ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo một nhóm đối tượng đến gây gổ, đánh trọng thương một người.
Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 30/9/2023, nhóm 30-35 đối tượng ở Tuyên Quang mang theo nhiều hung khí tự chế gồm đao, dao, kiếm, phóng lợn, gậy sắt đi về phía huyện Tam Đảo với mục đích tìm người để gây gổ đánh nhau. Trên đường đi nhóm đối tượng này gặp một nhóm 7 thanh niên ở Vĩnh Phúc cũng cầm theo gậy sắt, đao tự chế, vỏ chai bia. Thấy vậy, nhóm thanh niên Tuyên Quang bao vây tấn công nhóm thanh niên Vĩnh Phúc. Hậu quả làm một người bị thương tích tổn hại 13% sức khỏe.
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ việc xảy ra mỗi năm trên địa bàn cả nước. Thực trạng này cho thấy tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và các loại dao gây án vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Để phục vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH đã tiến hành rà soát, thống kê trên cả nước có 12 làng nghề, 432 cơ sở, doanh nghiệp và 11.811 cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu các loại dao phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Thực trạng việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở doanh nghiệp, hộ gia đình diễn ra một cách tự do, chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý nên dẫn đến việc sản xuất kinh doanh tràn lan tiềm ẩn nguy cơ đối tượng lợi dụng để tự chế các loại dao, kiếm nhằm thực hiện các hành vi phạm tội.
Hiện nay Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch vũ khí quân dụng với các loại vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Trong khi các loại vũ khí này đều được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc luyện tập thể thao. Thực tế các loại vũ khí này khi các đối tượng sử dụng để gây án đều có tính sát thương cao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người.
Hiện nay điều 304 Bộ Luật hình sự chỉ quy định xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng.
Ngày 23/2/2023, tại một nhà trọ ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, Công an Thành phố Vĩnh Yên phát hiện Lương Ngọc Sơn, sinh năm 1993, trú tại thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường là khách thuê trọ đang cất giấu 01 khẩu súng trong người. Kiểm tra phòng trọ mà Sơn thuê phát hiện thêm 4 khẩu súng ngắn, 2 khẩu súng dài và nhiều viên đạn có đặc điểm tương tự vũ khí quân dụng. Thế nhưng các hành vi mua bán, tàng trữ hàng trăm loại linh kiện súng tự chế thì các đối tượng cũng chỉ bị xử lý hành chính. Từ những kẽ hở này các đối tượng đã lợi dụng để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ và kinh kiện để lắp ráp vũ khí.
Điều 5 Luật quản lý, sử dụng quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê cầm cố vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quy định này cũng được sửa đổi nhằm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ. Tại phiên họp chuyên đề tháng 9 năm 2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 165 trong đó đồng ý với sự cần thiết sửa đổi và các chính sách lớn trong Luật quản lý, sử dụng quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và giao Bộ Công an hồ sơ đưa vào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Thùy Chung