Theo Cục Thống kê tỉnh, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2023 của tỉnh tăng từ 2,0 đến 2,5% . Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp so với nhiều năm trở lại đây, song đã được tỉnh dự báo từ trước trong bối cảnh nền kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn đã tác động rất lớn đến nền kinh tế có độ mở cao như Vĩnh Phúc.
Trong 3 trụ cột của nền kinh tế có lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ ước tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022, riêng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,3 - 1,3% so với cùng kỳ. Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, ngành chủ lực là sản xuất ô tô xe máy, linh kiện điện tử đều giảm hoặc đạt mức tăng trưởng thấp.
Trong sản xuất công nghiệp, riêng ngành sản xuất ô tô, mặc dù đã có nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ song sản lượng đều giảm, ước cả năm 2023 sản lượng ô tô đạt 43,3 nghìn xe, giảm 21,3%. Trong đó, Toyota ước giảm 32,37%, Honda ước giảm 10,24% so với năm 2022. Phân tích thêm nguyên nhân sụt giảm của ngành sản xuất công nghiệp tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh tháng 11, lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh cho biết:
Trong thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, GPMB các dự án. Đồng thời, duy trì hiệu quả việc giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các dự án đã và đang triển khai.
Có thể nhận thấy, trong bức tranh toàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp với nỗ lực quyết tâm cao nhất. Nhờ vậy, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự kiến còn thấp song đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ đầu năm đến nay.
Hải Đăng