Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn, nhất là các sản phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng cao, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh được phát triển và nhân rộng. Hầu hết các mô hình đều khẳng định được hiệu quả và tính bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nếu như trước đây vùng trồng rau ăn lá, rau su su của Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc, huyện Tam Dương được bón bằng phân bón vô cơ thì giờ đây bà con trong vùng chuyển sang dùng phân bón hữu cơ. Hướng đi này không chỉ giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận, hiệu quả cho người sản xuất, mà quan trọng hơn là đảm bảo môi trường, tính bền vững để tái sử dụng nguồn đất, nguồn nước tạo thành mô hình kinh tế tuần hoàn. Cây su su phát triển tốt, có vị ngon, ngọt đặc trưng, cho khai thác ngọn từ 7-8 tháng.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn phát triển, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ đã bước đầu chuyển đổi nhận thức của người sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đã có hiệu quả, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Đặng Thưởng