Cập nhật: 06/12/2023 08:54:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Vĩnh Phúc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách Dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác dân số, KHHGĐ. Với mục tiêu mỗi một công dân khỏe mạnh, sẽ góp phần tạo ra cơ sở vững chắc để Vĩnh Phúc phát triển nhanh, bền vững.

Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, ngành dân số tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn mới như: Chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số; các đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chương trình kế hoạch điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng; Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt.

Công tác dân số luôn có sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số được triển khai đồng bộ và rộng khắp với nhiều hình thức, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của Nhân dân trong thực hiện chính sách và chương trình dân số. Công tác dân số đã đạt được một số kết quả nổi bật như tỷ số giới tính khi sinh giảm 1,33 điểm % so với cùng kỳ; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt gần 87% (tăng 1,8% so với cùng kỳ); tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt hơn 86% (tăng hơn 37% so với cùng kỳ). Hơn 118.700 nam, nữ thanh niên được tư vấn, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (tăng hơn 8% so với cùng kỳ); hơn 39.200 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm (tăng hơn 43% so với cùng kỳ). Công tác truyền thông giáo dục được đổi mới; người dân hưởng ứng nhiệt tình, đánh giá cao các hoạt động, chương trình dân số đang triển khai trên địa bàn.

Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh

Dân số toàn tỉnh hiện có hơn 1,251 triệu người, tỷ suất sinh thô giảm còn 15.4%. Mức sinh cao sẽ ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống Nhân dân, phát triển thể lực giống nòi. Mức sinh thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến dân số già hóa nhanh, gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực. Do đó, cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực, đặc biệt là cân đối tại các khu vực thành thị và nông thôn.

Để đạt mức sinh thay thế tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân số. Cùng với đó, ngành dân số đã đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thanh niên, thanh niên trong khối trường học phù hợp từng cấp học, lứa tuổi. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế; tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 109 bé trai/100 bé gái. Đồng thời, giảm tối thiểu 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh cao; tăng tối thiểu 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh thấp.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh - giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ. Chương trình này đã được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều hoạt động và chính sách thiết thực, qua đó làm chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng đích. Mỗi năm có trên 80% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh. Số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh, đạt 78,6%. Số trẻ có nghi ngờ về những bất thường sơ sinh đều được hỗ trợ và chăm sóc dự phòng, nên phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Đến nay, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Hệ thống, các khâu thực hiện được kết nối từ tỉnh đến thôn, xóm, và có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Trong những năm qua, một trong những nguyên nhân quan trọng làm mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh là do sự hiện diện ngày càng phổ biến các kỹ thuật sinh sản ở Việt Nam. Để khắc phục những khó khăn trên, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền cho người dân hiểu về công tác dân số, về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Hưởng ứng ngày Dân số thế giới

“Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” là chủ đề phản ánh một vấn đề lớn của cộng đồng toàn cầu. Tại tỉnh ta, việc thực hiện bình đẳng giới và đề cao giá trị của phụ nữ, trẻ em gái cũng đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với UBND Huyện Vĩnh Tường tổ chức Mít tinh: “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Thông qua chương trình, kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó, từng bước góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tập trung tuyên truyền, giáo dục vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, tại một số trường học trên địa bàn tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục các huyện, thành phố tổ chức Hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu kiến thức về Dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên” năm 2023, nhằm nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em học sinh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức quan điểm về lĩnh vực dân số, sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, giới và giới tính.

Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng

Triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát động, từ năm 2010 đến nay, mô hình này tại Vĩnh Phúc đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ có tác dụng to lớn đến đời sống sức khỏe, tinh thần của người cao tuổi mà quan trọng hơn còn nâng cao nhận thức của người cao tuổi nói riêng, cộng đồng nói chung trong giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, phòng chống bạo lực gia đình.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới để thực hiện có hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tiếp tục kiện toàn ổn định bộ máy và công tác cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Lê Dũng