Cập nhật: 25/12/2023 08:35:00
Xem cỡ chữ

Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy (Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân) đã cùng đồng đội biên tập hàng trăm mảnh hải đồ số; thiết kế hệ thống sản xuất cơ sở dữ liệu nền địa lý và thành lập bản đồ địa hình đáy biển… Những công việc không chỉ đòi hỏi tự tỉ mỉ, chính xác mà còn có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tháng 5/2023, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thị Minh Thủy thực hiện chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa. Sau 35 năm, kể từ ngày bố chị, liệt sĩ Lê Đình Thơ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, chị mới thực hiện được ước mơ của mình - Ra thăm và thắp hương cho bố cùng 63 đồng đội của ông.

Giữa mênh mông sóng nước Trường Sa, chị thầm kể cho bố nghe về cuộc sống, về công việc hiện tại và ước mơ được tiếp bước cha mình vẽ nên nhưng tấm hải đồ biển khơi, góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

viet tiep giac mo ve nhung tam ban do bien, dao viet nam hinh anh 1

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy trong chuyến công tác tại Trường Sa vào tháng 5/2023.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy kể: "Khi tôi được ra Trường Sa, thực sự có một cảm giác rất là khó tả. Đây là điều mà tôi ấp ủ rất nhiều năm. Khi được thả vòng hoa cùng các anh chị em ở trên tàu tưởng niệm cho bố cùng 63 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14 tháng 3 năm 1988, rất muốn nhắn nhủ với bố cùng với các bác, các chú đã ngã xuống rằng, ố và các bác các chú yên tâm, con và đồng đội tiếp tục thực hiện ước mơ của bố và các bác, sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

Bố chị Minh Thủy, liệt sĩ Lê Đình Thơ từng là cán bộ Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, hy sinh khi chị vừa tròn 1 tuổi. Mấy tháng sau ngày cha hy sinh, mẹ chị cũng qua đời. Chị Thủy lớn lên trong tình yêu thương của gia đình nội ngoại và sự quan tâm của các bác, các chú trong đơn vị của bố mẹ. Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, chuyên ngành trắc địa bản đồ, chị về công tác tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, với ước mơ được tiếp bước con đường mà cha mình đã đi.

Trong chuyến công tác Trường Sa, ngoài việc ý nghĩa được thăm nơi bố làm nhiệm vụ, chị Minh Thủy đã trực tiếp quan sát những cọc chống đổ bộ, những bờ kè, bãi đá san hô, được tận mắt chứng kiến màu sắc của nước biển ở những độ nông, sâu khác nhau. Đó là những tư liệu thực tế vô cùng quý giá cho công việc biên vẽ hải đồ của chị và đồng nghiệp.

viet tiep giac mo ve nhung tam ban do bien, dao viet nam hinh anh 2

Sau 35 năm, kể từ ngày bố chị, liệt sĩ Lê Đình Thơ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, chị Thủy mới được ra thăm và thắp hương cho bố.

Sự tỉ mỉ, thận trọng và đam mê, niềm yêu nghề đã ngấm vào con người chị, trong mỗi nét vẽ, công việc được giao. Thủy kể, mỗi lần nhận số liệu từ các bộ phận trong đơn vị, chị luôn cố gắng tập hợp, xử lý, biên tập và thể hiện một cách trung thực, chính xác nhất, làm sao những bản vẽ hải đồ luôn đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn cho người đi biển. Trong năm qua, chị đã cùng đồng đội hoàn thành thiết kế hệ thống sản xuất cơ sở dữ liệu nền địa lý và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:100000 được 196 mảnh; biên tập, cập nhật hàng trăm mảnh hải đồ số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Chị Lê Thị Minh Thủy hào hứng chia sẻ về những công nghệ mới trong lĩnh vực bản đồ: "Năm gần nhất để chúng tôi có biên tập là 196 mảnh bản đồ địa hình đáy biển lần đầu tiên để áp dụng là phần mềm mới là Arcgis. Sau khi dự án làm đấy thì chúng tôi được Thủ trưởng đánh giá cao. Ngoài các sản phẩm hải đồ biên tập trên các phần mềm mà chúng tôi vẫn làm lâu nay, chúng tôi còn mở rộng ra biên tập trên các phần mềm mới, phần lớn sử dụng tiếng Anh rất là nhiều. Tiếp cận được những phần mềm mới đã mở ra cho chúng tôi nhiều hướng đi trong lĩnh vực bản đồ đáy biển."

Ngoài kiến thức chuyên môn sâu, chị Thủy tự học tiếng Anh, khám phá và ứng dụng những phần mềm mới, phục vụ việc biên tập bản đồ, như Arcgis, Paperchat Composer... Chị Thủy cũng là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực biên tập bản đồ, tiếp cận những tiến bộ trong lĩnh vực bản đồ của thế giới. Ngoài giờ làm việc trong đơn vị, buổi tối chị lại mày mò, tự tìm hiểu những kiến thức mới, những công cụ nghiên cứu... Tình yêu với những tấm bản đồ biển, đảo đã tiếp thêm cho chị sức mạnh, sự dẻo dai trong công việc.

viet tiep giac mo ve nhung tam ban do bien, dao viet nam hinh anh 3

Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy (ngồi giữa) cùng các đồng đội tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân).

Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Biên tập bản đồ nhận xét về chị Lê Thị Minh Thủy: "Với vị trí là tổ trưởng tổ biên tập bản đồ, đồng chí Thủy luôn hoàn thành tốt công việc; các yêu cầu, nhiệm vụ biên tập bản đồ hải đồ được chỉ huy đội giao, đồng chí Thủy đã hoàn thành tốt, có chất lượng. Công việc giao ch o Thủy là luôn yên tâm. Thủy nhiệt tình, chịu khó học hỏi. Trong lĩnh vực ban đồ thì khá rộng; mặc dù còn trẻ nhưng Thủy chịu học chịu hỏi và tiến nhanh tiến bộ hơn những người khác. Là cán bộ trẻ, nhưng Thủy được thủ trưởng đơn vị tin tưởng, phân công tham gia trong nhiều dự án quan trọng, như: dự án quy hoạch không gian biển quốc gia, dự án về bản đồ địa hình đáy biển phục vụ của Bộ, Cục Bản đồ..."

Lặng thầm phía sau những tấm hải đồ để mỗi chuyến ra khơi của các lực lượng thêm bình an, những nỗ lực trong công việc của Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Thủy được ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Nguyễn Thị Thanh Nga/VOV - Đông Bắc - 24/12/2023

 https://vov.vn/chinh-tri/viet-tiep-giac-mo-ve-nhung-tam-ban-do-bien-dao-viet-nam-post1067414.vov