Với việc cuộc phản công đã chững lại và các vũ khí mới chưa thể đến tay Kiev ít nhất là tới tháng 1/2024, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Ukraine có thể chống chịu như thế nào?
Kịch bản ác mộng
Có một kịch bản ác mộng mà Ukraine và phương Tây lo sợ trong nhiều tháng nay. Các quan chức phương Tây đã theo dõi việc Nga tập trung các loại vũ khí dẫn đường chính xác để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào mùa đông, trong khi vẫn duy trì tốc độ tấn công vào các thành phố bằng cách sử dụng bom không dẫn đường.
Sáng 29/12, cơn ác mộng của Ukraine và phương Tây đã thành sự thật khi Nga tiến hành cuộc tấn công như vũ bão khắp Ukraine, nhắm vào Kiev, Dnipro, Lviv, Zaporizhzhia, Odessa, và Kharkiv. Theo đó, Moscow đã sử dụng tổng cộng 158 UAV và tên lửa trong cuộc tấn công trên.
Các cuộc tấn công mới đã khiến các quan chức Ukraine và các chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi về việc họ có thể duy trì được bao lâu trong mùa đông - hoặc giữ được lãnh thổ - đặc biệt giữa bối cảnh nguồn viện trợ quân sự dài hạn của Washington sắp cạn kiệt, trừ khi Quốc hội Mỹ hành động sớm.
Các quan chức Ukraine tin rằng khả năng tiến hành các cuộc tấn công của Nga thậm chí còn lớn hơn những gì họ thể hiện: Moscow có thể phóng hơn 300 UAV cảm tử trong cuộc tấn công vào Ukraine và khoảng 150 tên lửa đạn đạo trong một lần bắn vào Kiev, nghị sĩ Ukraine Sasha Ustinova cho hay.
Với việc cuộc phản công của Ukraine đã chững lại và các vũ khí mới chưa thể đến tay Kiev ít nhất là tới tháng 1/2024, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu họ có thể chống chịu như thế nào?
"Rõ ràng Ukraine đang đối mặt với một mùa đông khó khăn. Nhưng tôi nghĩ tinh thần chiến đấu của họ vẫn cao hơn Nga. Điều quan trọng lúc này là việc chúng ta tăng cường hỗ trợ cho Kiev", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu tháng này.
Tuy nhiên, tinh thần đó giờ đây đang bị thử thách, khi người Ukraine giật mình ngay cả trong giấc ngủ bởi hàng chục cảnh báo không kích làm điện thoại của họ sáng lên. Và sự hỗ trợ vẫn chưa tới, ít nhất là cho đến khi Quốc hội Mỹ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ trong tuần thứ hai của tháng 1 hoặc thậm chí có thể lâu hơn.
"Ukraine cần tài trợ ngay bây giờ để tiếp tục chiến đấu vào năm 2024", Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink viết trên X.
Các quan chức Mỹ nhận thấy hoạt động chiến đấu đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục. Thời tiết ở Ukraine đã xuống dưới 0 độ C và các lớp tuyết dày gây cản trở việc di chuyển dọc tiền tuyến gần 1.000km, làm nổi bật viễn cảnh về một cuộc xung đột tiêu hao trong nhiều tháng. Ukraine đã có các động thái hạ độ tuổi nhập ngũ để có nhiều binh lính hơn trên chiến trường.
Các chuyên gia nhận định, Ukraine không cần bất kỳ "viên đạn bạc" nào. Thứ họ cần chỉ là những viên đạn thông thường.
"Bây giờ rõ ràng chúng ta đã đi qua cuộc phản công. Vì sẽ không nhận được số lượng lớn hỏa lực chính xác tầm xa nên Ukraine có lẽ cần phải cố thủ và phòng thủ ngay bây giờ. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói hỗ trợ bổ sung, ngay cả những tuyến phòng thủ đó cũng không thể ổn định", Peter Rough, học giả cấp cao và Giám đốc Trung tâm châu Âu và Á - Âu tại Viện Hudson nhận định.
Dù vậy, ông Jonson cho rằng quân đội Ukraine đang ngày càng tiếp cận được nhiều vũ khí tấn công tầm xa, và điều này buộc các tàu chiến và tiêm kích Nga phải lùi ra xa tiền tuyến hơn. Nhưng Ukraine đã phải xây dựng quân đội của mình trong khi chống lại các cuộc tấn công của đối phương: Ông Jonson cho biết, Kiev đang vận hành khoảng 600 loại hệ thống vũ khí của phương Tây, đồng thời vận chuyển nhiên liệu và phụ tùng qua chiến tuyến. Tất cả những điều đó đều diễn ra trên những con đường bị mưa đá và băng tuyết bao phủ.
Ngay cả với kho vũ khí tầm xa hạn chế, Ukraine được phương Tây cho là vẫn gây ấn tượng mạnh khi phá hủy tàu chiến lớn của Nga đậu ở Crimea. Không quân Ukraine ngày 26/12 tuyên bố họ đã phá hủy một tàu đổ bộ chính của Nga đóng ở vùng biển Crimea. Hiện chưa xác thực được thông báo từ phía Ukraine và phía Nga cũng chưa bình luận gì về vụ tàu hải quân bị phá hủy.
Các chuyên gia tin rằng hệ thống hậu cần của Nga - vốn chưa thực sự sẵn sàng để đối phó với các cuộc tấn công liên tục - là một mục tiêu tốt.
"Nếu họ có các vũ khí tầm xa, họ có thể phá hủy hoàn toàn hệ thống hậu cần này. Tôi nghĩ họ biết đây là điểm yếu của Nga, đặc biệt vào mùa đông", ông Ben Hodges, cựu Tư lệnh Quân đội Mỹ ở châu Âu nhận định.
Ukraine đang cạn kiệt đạn dược và thời gian
Ukraine lo ngại họ đang cạn kiệt đạn dược và thời gian. Mặc dù hệ thống phòng không bao phủ phần lớn Kiev nhưng chúng không đủ để chống lại các cuộc tấn công từ xa của Nga trong mùa đông. Khi Ukraine cần nhiều lực lượng phòng không hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa như vũ bão hôm 29/12, các quan chức nước này đã chỉ ra rằng, nhiệt độ giảm thấp đã dịch chuyển các ưu tiên của họ: Xung đột tiêu hao đồng nghĩa với việc cần nhiều hỏa lực pháo binh, song châu Âu còn kém xa mục tiêu sản xuất một triệu quả đạn pháo vào tháng 3/2024.
"Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là họ bắt đầu pháo kích dữ dội. Bởi vì chúng tôi sẽ không có đủ đạn dược", bà Ustinova cho hay.
Tuy nhiên, Ukraine buộc phải cắt giảm các hoạt động quân sự giữa bối cảnh sự hỗ trợ cạn dần. Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi, người dẫn đầu lực lượng tiến công ở phía Nam tuần này nhận định với BBC rằng, Kiev đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo cỡ 122mm và 152 mm, vốn chiếm phần lớn trong kho vũ khí quân sự.
Trong khi đó, nguồn lực của Nga cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vẫn còn rất nhiều. Bộ trường Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur hồi tháng 11 cho biết Nga vẫn dự trữ khoảng 7.000 - 8.000 xe tăng. Moscow cũng đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến và có kế hoạch dành 6% GDP cho quốc phòng vào năm sau.
"Nga đang tăng cường sản xuất, đặc biệt là đạn dược. Họ không quan tâm đến chất lượng mà quan tâm nhiều hơn đến số lượng", ông Pevkur nói.
Các quan chức phương Tây tin rằng có khoảng 300.000 - 400.000 binh lính Nga ở Ukraine. Vào tháng 11, các lực lượng của Nga tuyên bố đã giành được vùng đất xung quanh Avdiivka, nơi mà phương Tây cho rằng Điện Kremlin đang cố gắng tạo thế gọng kìm để bao vây thị trấn - địa điểm có một nhà máy than đá lớn. Họ cũng nhắm đến giao lộ đường sắt quan trọng của Kupyansk.
Hiện tại, giữa bối cảnh Ukraine thiếu viện trợ của phương Tây, việc Nga tập trung vào miền Đông nước này có thể khiến Kiev phải nhượng lại nhiều lãnh thổ hơn.
"Đây là một điều rất đau đớn bởi chúng tôi phải trả giá hàng nghìn sinh mạng cho mỗi km giành được. Trong khi đó, Nga vẫn đang kiểm soát thêm lãnh thổ”, bà Ustinova nói.
Theo VOV.VN - 31/12/2023
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kich-ban-ac-mong-ma-ukraine-va-phuong-tay-lo-so-dang-thanh-su-that-post1068790.vov