Năm 2023 đã khép lại, Vĩnh Phúc đã đi qua hơn nửa đầu chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, một giai đoạn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nặng nề hơn so với dự báo.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; sự nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống trị, các thành phần kinh tế và Nhân dân, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc năm 2023 vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; anh ninh, quốc phòng được giữ vững. Đây là cơ sở quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục vượt qua khó khăn, mở ra triển vọng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Xung đột Nga-Ukraine và gần đây là Israel- Hamas khiến tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên thế giới đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Vĩnh Phúc, đẩy kinh tế Vĩnh Phúc tăng trưởng âm trong Quý I.
Xác định doanh nghiệp phục hồi sản xuất chính là yếu tốt quyết định để phục hồi tăng trưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, sáng tạo, các cấp, các ngành kịp thời đối thoại với các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng sản xuất như ngành sản xuất linh điện tử, hầu hết các doanh nghiệp sản suất linh kiện điện tử đều duy trì hoạt động sản xuất ổn định và có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Công ty TNHH Compal tăng trên 9%; công ty TNHH Young Poong electronic Vina tăng trên 14%; Công ty TNHH Vina Union tăng trên 26%; Công ty TNHH Solum Vina tăng trên 10%, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Cùng với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã chủ động điều chỉnh kịch bản tăng trưởng phù hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực gắn với trách nhiệm; tập trung kiểm tra, giám sát, sâu sát cơ sở; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tỉnh đã lấy lại đà tăng trưởng trong Quý II, Quý III, Quý IV.
Điểm sáng thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, song thu hút đầu tư lại bứt phá trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc, tiếp tục khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2023, Vĩnh Phúc thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Vĩnh Phúc đều trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn, lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh đã vượt khó, phục hồi tăng trưởng khởi sắc. Số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022, trong đó có 81 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 3,61 nghìn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch và tăng 10% so với năm 2022.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, tỉnh đã tổ chức thành công Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc Ca khúc cách mạng với chủ đề “Tự hào giai điệu Tổ quốc” với sự tham gia của 28 đoàn nghệ thuật, trong đó Vĩnh Phúc giành huy chương vàng toàn đoàn. Tổ chức sôi động các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc.
Xác định giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công là yếu tốt quyết định tạo đà cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn năm 2023 ngay từ cuối năm 2022; thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm đã được đầu tư, khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện đa khoa tỉnh; khánh thành Cầu Vĩnh Phú; xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc (tại địa điểm mới); khởi công xây dựng Trường THPT Trần Phú và các công trình giao thông quan trọng. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ và khối lượng giải ngân cao nhất từ trước tới nay, đạt trên 7.900 tỷ đồng, bằng 103,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Đây là những yếu tố quan trọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023.
Quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư đã đưa tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc từ tăng trưởng âm trong Quý I đã phục hồi đạt trở lại tăng 2,37% trong năm 2023, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,29%, khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,34%, khu vực dịch vụ tăng 8,61% so với năm 2022. Mặc dù tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra, nhưng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Xác định giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công là yếu tốt quyết định tạo đà cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn năm 2023 ngay từ cuối năm 2022; thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm đã được đầu tư, khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện đa khoa tỉnh; khánh thành Cầu Vĩnh Phú; xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc (tại địa điểm mới); khởi công xây dựng Trường THPT Trần Phú và các công trình giao thông quan trọng. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ và khối lượng giải ngân cao nhất từ trước tới nay, đạt trên 7.900 tỷ đồng, bằng 103,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Đây là những yếu tố quan trọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, phát huy truyền thống sáng tạo, tư duy đột phá, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc bằng mô hình cụ thể trong thực tiễn, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. HĐND tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết cụ thể hóa về tiêu chí và cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh thể hiện nhất quán quan điểm phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc qua nhiều nhiệm là việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, lấy con người là trung tâm; người dân phải được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, bằng cách làm sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến nay chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đang dần hiện thực hóa bằng những làng quê giàu truyền thống văn hóa, người dân có cuộc sống hạnh phúc. Thực hiện 16 chính sách hỗ trợ đặc thù, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân 96,5 tỷ đồng cho 541 hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Đã có 20 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ký kết cùng với người dân tổ chức lại sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở Làng văn hóa kiểu mẫu. Có 28 thôn, tổ dân phố hoàn thành từ 29/58 tiêu chí thành phần. Ở tất cả các thôn, Tổ dân phố đăng ký xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã xây dựng hoàn thành khu thiết chế văn hóa, thể thao đưa vào sử dụng.
Chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” không chỉ là chính sách đầu tư phát triển văn hóa mà qua đây đã tạo ra được thế trận lòng dân trong xây dựng làng, xây dựng quê hương; gìn giữ và phát triển văn hóa làng là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với thực thiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 120 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 01 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 04/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn và 01 huyện đang tiếp tục hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2023, tỉnh đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội. Cả năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn lao động, vượt 18,8% so với kế hoạch và bằng 91,3% so với năm 2022. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, ước đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%; các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được quan tâm.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo được tỉnh quan tâm đầu tư, đạt kết quả toàn diện cả về giáo dục đại trà và mũi nhọn. Năm 2023, toàn tỉnh có 92 học sinh vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 79 em đoạt giải tăng 17 giải so với năm học trước, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải, đứng thứ 3 về số lượng và xếp thứ 5 toàn quốc. Đặc biệt, tỉnh đã có 01 học sinh dự thi Olimpic Sinh học Quốc tế.
Công tác thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS, THPT năm học 2023-2024 đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt. Tỉ lệ phân luồng sau THCS, THPT đạt mục tiêu đề ra; năm 2023 số học sinh đỗ vào Đại học và Cao đẳng đạt 70%. Phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân rộng; văn hóa đọc được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, góp phần xây dựng văn hóa đọc của Vĩnh Phúc nói riêng, xây dựng bản lĩnh, tri thức, văn hóa con người Vĩnh Phúc nói chung. Đặc biệt, các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; giảm tải áp lực thi cử cho học sinh; nâng cao kiến thức tâm lý, kỹ năng sống cho học sinh.
Công tác y tế được quan tâm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các đơn vị được đầu tư, đặc biệt, từ ngày 5/5/2023 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chính thức tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trên 96% tỷ lệ người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân. Đến cuối năm 2023, đạt tỷ lệ 16,9 bác sĩ/vạn dân, tăng 13% so với năm 2022 và đạt 4,3 dược sỹ đại học/vạn dân, tăng 8% so với năm 2023.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các cuộc luyện tập, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; diễn tập khu vực phòng thủ, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới vẫn có diễn biến khó lường. Kinh tế Vĩnh Phúc với độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP nên sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Nhiệm vụ đặt ra hết sức khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, trong đó, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ là những chìa khóa để trong thách thức tìm kiếm được cơ hội, tạo đà cho tăng trưởng, phát triển của Vĩnh Phúc trong năm 2024.
Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ có ý nghĩa tạo đà tiếp tục phục hồi tăng trưởng, phát triển của tỉnh năm 2024 mà còn có ý nghĩa cho nửa nhiệm kỳ còn lại thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Vĩnh Phúc đã đi qua hơn nửa chặng đường đầu, nhưng chặng đường còn lại dự báo vẫn còn đầy chông gai, thử thách, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc và về đích, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Văn Hải