Cập nhật: 10/01/2024 21:16:00
Xem cỡ chữ

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai, thúc đẩy triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73 ngày 6/5/2023 về việc uỷ quyền quyết định giá đất. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2023 ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất. Chính sách này đã đi vào thực tế và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực rõ nét.

Một trong những nhiệm vụ nổi bật trong năm 2023 của ngành Tài nguyên và Môi trường đó là cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm về đất đai.

Những ngày cuối năm 2023, thực hiện kế hoạch đặt ra, UBND Thành phố Phúc Yên đã đồng loạt ra quân xử lý 17 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai dọc trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, thuộc địa bàn xã Cao Minh. Đây là các trường hợp vi phạm đất đai đã được tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình không chấp hành.

Theo thống kê, thành phố Phúc Yên tồn tại hơn 1.400 trường hợp vi phạm đất đai. Tính đến hết tháng 11 năm 2023 thành phố đã giải quyết xử lý được trên 1.246 trường hợp vi phạm đất đai. Riêng năm 2023, thành phố đã xử lý được tổng số 299 trên trường hợp vượt kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, thành phố Phúc Yên cũng đã giải quyết, xử lý xong hơn 60 vụ việc vi phạm đất đai trên tổng số 76 vụ việc vi phạm về đất đai phát sinh từ sau ngày 01/01/2020 đến nay. Việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng, hoàn trả lại tình trạng ban đầu của đất là biện pháp buộc khắc phục hậu quả nhằm lập lại trật tự, kỷ cương và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật với tinh thần "Kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai"

Cùng với thực hiện biện pháp bắt buộc, UBND Thành phố Phúc Yên cũng yêu cầu các xã, phường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm Luật Đất đai; quyết tâm không để phát sinh trường hợp vi phạm đất đai mới trong năm 2024.

Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải xây dựng

Những năm qua, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từng bước đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đối với loại phế thải xây dựng không nằm trong danh mục các loại rác được thu gom và hiện nay cũng chưa có bãi tập kết , dẫn đến tình trạng đổ trộm, tập kết phế thải xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Trên vỉa hè dọc tuyến đường Lý Thái Tổ, thành phố Vĩnh Yên và các khu đất của dự án Công viên vui chơi giải trí, dự án Khu Văn hóa thể thao thành phố Vĩnh Yên: rác, gạch vỡ, thiết bị vệ sinh hỏng, kính thủy tinh và nhiều vật dụng khác đều có mặt tại đây và nhiều đến mức tràn cả ra đường giao thông phế thải xây dựng

Việc đổ trộm, tập kết phế thải xây dựng trái phép đã gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự đô thị, hành lang giao thông. Theo thông tin của Phòng Quản lý đô thị thành phố Vĩnh Yên, cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng đổ trộm, tập kết phế thải xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều địa bàn và có chiều hướng gia tăng.

Đổ trộm, tập kết phế thải xây dựng trái phép gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự đô thị, hành lang giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Một phần nguyên nhân cũng là do hiện nay, thành phố chưa có bãi tập kết phế thải xây dựng và loại rác thải xây dựng này cũng không nằm trong danh mục thu gom, vận chuyển của Công ty môi trường đô thị. Chính vì vậy để xử lý phế thải xây dựng tại các hộ gia đình, công trình xây dựng các đối tượng đã tự ý đổ trộm, tập kết trái phép tại các tuyến đường vắng người qua lại, các dự án xây dựng không có người trông coi, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

Lỗ Hiếu