Cập nhật: 10/01/2024 21:30:00
Xem cỡ chữ

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, nhờ đó, chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rõ nét trên cả 3 phương diện là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Trong năm 2023, Vĩnh Phúc dành hơn 134 tỷ đồng từ ngân sách thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. Đến nay, toàn tỉnh có 90% hộ gia đình có internet băng thông rộng cố định; gần 550 nghìn tài khoản định danh điện tử mức 2, gần 69 nghìn tài khoản định danh mức 1 với tỷ lệ 70% người trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, vượt 30% chỉ tiêu được giao; 95 % dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt...

Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung nhằm triển khai chính quyền điện tử tiến tới chính phủ số và phát triển đô thị thông minh.

Trường Giang