Cập nhật: 19/01/2024 09:26:00
Xem cỡ chữ

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: ''Mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật'', phải ''chú ý phát huy cốt cách dân tộc''. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thành phố Phúc Yên luôn quyết tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc riêng có của mình để phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở thành phố Phúc Yên sinh sống ở vùng đất trung du bán sơn địa nền nghệ thuật ẩm thực rất phong phú và đa dạng. Theo truyền thống, đồng bào Sán Dìu ở xã Ngọc Thanh mỗi năm đón 5 Tết lớn là Tết Thanh minh, Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), Trung nguyên (14/7 âm lịch), Đông chí và Tết Nguyên đán. Vào dịp này, đồng bào thường chuẩn bị đầy đủ các món ăn và bánh truyền thống để cúng tổ tiên, trong đó có nhiều món bánh được làm rất cầu kỳ như: bánh chưng gù, bánh gio, bánh nghé…

Món bánh chưng gù thật cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu, gói bánh làm sao để có sáu góc và gù đẹp mắt là cả một quá trình tập luyện. Trải lá dong bên ngoài, xếp lá chít thành lớp bên trong, xúc gạo nếp đã ngâm trải lên, rồi bỏ đỗ, thịt ba chỉ ướp tiêu vào giữa làm nhân, trải thêm lớp đỗ, gạo phủ lên và ghép lá. Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp mép lá, nắn chiếc bánh cho đều để tạo nên phần lưng gù đặc trưng. Khi việc tạo hình hoàn tất sẽ buộc chiếc bánh bằng lạt giang. Sản phẩm cuối cùng là chiếc bánh có hai đầu dẹp và phần lưng gù lạ mắt.

Để làm được món bánh gio, người Sán Dìu phải chuẩn bị rất lâu, từ giai đoạn chọn loại cây xoan để đốt thành tro, lọc nước gio và ngâm với gạo nếp cả đêm, sau đó đem gói bánh làm sao cho đẹp; đặc biệt đun bánh sao cho đủ lửa là cả một kỹ thuật. Bánh chín vớt ra để ráo nước, cắt ra ăn với mật mía rất ngon và mát.

Một loại bánh khác khá lạ được bà con làm trong dịp Tết Đông chí là bánh nghé. Gạo nếp đem ngâm kỹ, nghiền thành bột nhuyễn, nhào dẻo, vừng đem rang chín giã nhỏ trộn với đường rồi nắm làm nhân. Khi làm bánh, nặn bột thành hình chiếc phễu, bỏ nhân vào, vít kín miệng rồi đem luộc. Khi chín bánh có hình giống chiếc sừng nghé và được gắp ra lá mít nên gọi là bánh nghé hoặc bánh lá mít. Phụ nữ Sán Dìu thường phụ trách làm các loại bánh trên và đó cũng chính là tiêu chí đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ.

Để gìn giữ, phát huy văn hóa ẩm thực nói chung và bánh chưng gù, bánh gio, bánh nghé nói riêng gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Chi hội phụ nữ thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) làm bánh chưng gù, đặc sản của dân tộc Sán Dìu với 30 thành viên tham gia.

Từ khi thành lập CLB đến nay, mỗi khi có khách hàng đặt bánh các thành viên CLB lại có mặt tại gia đình Chủ nhiệm CLB hoặc tại gia đình mình để chuẩn bị nguyên liệu và làm bánh trả hàng cho khách đúng hẹn. Chính vì vậy khách hàng rất hài lòng. Không chỉ làm bánh cho khách đặt hàng, các thành viên CLB còn dành thời gian truyền dạy cách thức làm bánh cho thế hệ trẻ của đồng bào mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.

Thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh có số lượng lớn đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Từ trước đến nay người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Chi hội Phụ nữ đã thành lập mô hình CLB làm bánh chưng gù để đồng bào dân tộc Sán Dìu được quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đang tập trung triển khai xây dựng một số mô hình du lịch Homestay để phát triển kinh tế tại Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Lập Đinh. Từ đó các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói chung, CLB làm bánh chưng gù nói riêng sẽ được đông đảo du khách biết đến.

Để triển khai thực hiện xây dựng mô hình, điển hình tại Làng văn hóa kiểu mẫu, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ngọc Thanh, Thành ủy Phúc Yên cũng đã đăng ký thực hiện xây dựng mô hình CLB làm bánh chưng gù, đặc sản đồng bào dân tộc Sán Dìu của Chi hội phụ nữ thôn Lập Đinh làm mô hình, điển hình tại Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Lập Đinh.

Thời gian tới, xã Ngọc Thanh thành phố Phúc Yên cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời quảng bá rộng rãi văn hóa ẩm thực Sán Dìu đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Thúy Hơn