Cập nhật: 15/03/2024 09:40:00
Xem cỡ chữ

Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức, giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng với mong muốn được đóng góp để tôn tạo di tích. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch,chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, không để xảy ra tình trạng sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, trục lợi cá nhân gây bức xúc trong dư luận.

Đền Trình xã Tam Quan, huyện Tam Đảo là di tích nằm trong quần thể di tích Quốc mẫu Tây Thiên. Vào dịp đầu năm, Đền Trình thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái. Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, Ban Quản lý di tích đều bố trí cán bộ ghi sổ sách tiền công đức của du khách, việc mở, kiểm đếm các hòm công đức cũng được thực hiện công khai, dân chủ trước sự giám sát chặt chẽ của các thành viên. Số tiền công đức sẽ được sử dụng vào việc tôn tạo và phục vụ các hoạt động của di tích.

Ngoài Đền Trình, xã Tam Quan còn 5 di tích lịch sử khác đã được công nhận. Thực hiện Thông tư số 04 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cách quản lý, thu chi các khoản đóng góp tiền công đức tại các di tích, mỗi di tích xã đều thành lập các Tiểu ban quản lý di tích, giao cho chính quyền các thôn lựa chọn những người có uy tín đảm nhiệm phụ trách trông coi và quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, việc sử dụng các khoản tiền này phải được địa phương phê duyệt, công khai, minh bạch để nhân dân được biết.

Trên địa bàn phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên hiện có 7 di tích được công nhận, trong đó có cụm di tích Chùa Hà Tiên được đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Để tạo niềm tin cho người dân khi công đức vào di tích, chính quyền địa phương đã yêu cầu các tổ dân phố, Ban Quản lý các di tích thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý tiền công đức, đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền công đức tại các di tích.

Theo Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính ban hành, với các lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử.

Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đảm bảo tính công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích.

Thu Hoài