Cập nhật: 30/03/2024 10:17:00
Xem cỡ chữ

Đẩy mạnh phát triển và quảng bá rộng rãi loại hình du lịch nông thôn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan đến với đông đảo du khách. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế bức tranh du lịch nông thôn của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Nếu như trước kia du khách nhất là các bạn trẻ khi ghé thăm suối, thác ở Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo thường phải tự túc chuẩn bị đồ ăn, nước uống và không có các khu lưu trú; Nhân dân trong thôn cũng chưa tận dụng được những lợi thế này để làm du lịch thì đến nay đã hoàn toàn khác. Một khu homestay khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi vừa mới được anh Phạm Văn Dũng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo xây dựng ngay tại Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa. Điều đó không chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của du khách khi đến đây, mà còn tạo ra một không gian hoàn toàn mới tại khu vực này.

Với phương châm tập trung phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương, thời gian qua, Công ty Cổ phần Du lịch & Thương mại Tsubame đã tập trung khảo sát, nghiên cứu cũng như phối hợp với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tuyến điểm du lịch kết nối du khách trong và ngoài nước đến với Vĩnh Phúc. Đặc biệt, từ năm 2024 doanh nghiệp này tiếp tục khảo sát những địa điểm mới tại các làng nghề, làng văn hóa kiểu mẫu, các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng thêm các tuyến du lịch về nông thôn, du lịch cộng đồng.

Những năm qua, du lịch Vĩnh Phúc đã đón nhận nhiều kết quả tích cực về lượng du khách cũng như doanh thu. Chỉ tính riêng năm 2023, số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022, trong đó có 81 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Đặc biệt, việc hoàn thành 28 khu thiết chế văn hóa,thể thao của 28 Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo nên những quần thể văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành điểm nhấn ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Cùng với đó là rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch tại các Làng văn hóa kiểu mẫu này đã và đang hứa hẹn sự đột phá trong phát triển loại hình dịch vụ du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Với rất nhiều chương trình giải pháp cụ thể để phát triển loại hình du lịch nông thôn sẽ được triển khai trong thời gian tới, hình ảnh về những vùng quê tươi đẹp, con người thân thiện với các sản phẩm văn hóa lễ hội truyền thống của Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục được quảng bá rộng rãi đến với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hải Đăng