Cập nhật: 05/04/2024 09:18:00
Xem cỡ chữ

Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn là một trong những quy định trong dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Vấn đề này, hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Song dự thảo Luật này cũng được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Đề xuất quy định này bởi Chính phủ cho rằng, cấm tuyệt đối nồng độ cồn không chỉ làm giảm tai nạn giao thông, mà còn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Qua tổng kết các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia.

Theo số liệu năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó cho thấy, việc phòng, chống tác hại của rượu bia thông qua xử lý của lực lượng chức năng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn, hiện nay đang được nhiều người dân quan tâm và đồng tình ủng hộ.

Việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết bởi thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đa phần đều liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Trường Giang