Cập nhật: 08/04/2024 09:38:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng, phát triển các thành phần kinh tế rừng, làm vốn rừng ngày càng tăng cả về diện tích lẫn chất lượng, đời sống của nhiều người dân dần ổn định và khá giả nhờ nghề rừng.

Vĩnh Phúc luôn khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ, xúc tiến tái sinh và trồng rừng ở cả miền núi và đồng bằng, để bảo vệ lá phổi xanh của chúng ta, rừng còn là bức tường thành, lá chắn tự nhiên vô cùng quan trọng che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa.

Với mục tiêu nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh lên 25% vào năm 2024, việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng luôn được ngành nông, lâm nghiệp và các địa phương chú trọng. Cánh rừng gỗ Mỡ trên địa bàn xã Quang Yên, huyện Sông Lô được Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc tuyên truyền, vận động các hộ được giao khoán trồng rừng, bảo vệ rừng tham gia chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn.

Tuy mới đưa vào trồng, song loại cây trồng này được đánh giá phù hợp với vùng đất lâm nghiệp của Vĩnh Phúc, cây phát triển nhanh, đồng đều, không có sâu bệnh hại. Đặc biệt hơn nữa trồng rừng gỗ lớn có tuổi thọ khai thác kéo dài hơn trồng cây gỗ nhỏ từ 5-7 năm, góp phần rất lớn trong việc giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán.

Còn khu rừng tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, trước đây được hộ gia đình ông Hoàng Quốc Vượng, xã Ngọc Thanh trồng bạch đàn nhưng lợi nhuận không cao, đất đai bị xói mòn, khô cứng. Ông Vượng đã chuyển đổi sang trồng cây gỗ keo, sau thời gian trồng đã có những lợi ích khác biệt.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc được giao quản lý trên 868ha đất rừng, gồm cả 3 loại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc địa bàn 3 huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và huyện Tam Dương. Trong đó, đất rừng đặc dụng hơn 266 ha, đất rừng phòng hộ 249 ha và đất rừng sản xuất 377 ha.

Do diện tích rộng, phân tán và địa hình đồi núi phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Để bảo vệ và quản lý tốt diện tích rừng được giao quản lý, Trung tâm đã tổ chức giao khoán công tác chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất cho gần 200 hộ gia đình với diện tích thực hiện giao khoán trên 310 ha. Việc giao khoán diện tích đất rừng sản xuất cho cá nhân, hộ gia đình quản lý không chỉ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế dưới tán rừng cho người dân mà còn khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. 

Nhờ phát triển trồng rừng, khai thác hiệu quả đất trồng rừng, đến nay, trên địa bàn các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình làm rừng giỏi, có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc khai thác nguồn lợi dưới tán rừng mỗi năm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các hộ nhận khoán phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm trong việc tuần tra, bảo vệ rừng tại các vị trí nhận khoán.

Bên cạnh công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, các hoạt động đảm bảo an toàn cho diện tích rừng được giao quản lý cũng được các hộ nhận giao khoán chủ động thực hiện. Nhất là khi sắp bước vào mùa khô hanh, mùa nắng nóng kéo dài, các hộ gia đình nhận giao khoán bảo vệ rừng đã được tuyên truyền để chủ động phối hợp với địa phương và Trung tâm Phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng như thường xuyên thăm nắm, phát dọn thực bì và ngăn cản những hành vi dẫn đến cháy rừng.

Đặc biệt, cán bộ Trung tâm phối hợp chặt chẽ với hộ nhận khoán thực hiện tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện cháy, kịp thời chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện phân công lịch trực và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh và những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra, vào rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, nhắc nhở các hộ dân thực hiện vệ sinh rừng, phát dọn thực bì, xới gốc để giảm bớt vật liệu cháy, tạo đường băng cản lửa và tiến hành thu gom, xử lý thực bì tại các vùng có khả năng gây cháy cao.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục ổn định cơ cấu 3 loại rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện có, nâng cao chất lượng rừng sản xuất, khai thác hiệu quả đất trồng rừng, từng bước xã hội hóa nghề rừng. Việc thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng là tiền đề quan trọng giúp phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững diện tích rừng hiện có, nhằm bảo vệ môi trường và phát huy được những lợi ích to lớn từ rừng đem lại.

Thùy Linh