Cập nhật: 12/04/2024 09:30:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, việc phát triển về số lượng các nhóm, lớp mầm non tư thục trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã mang lại những tác động tích cực, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động các nhóm, lớp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục.

Theo thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục thì chỉ được phép nhận không quá 70 trẻ/1 cơ sở. Tuy nhiên, tại cơ sở Mầm non Tư thục Đồ Rê Mí ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, dù đảm bảo về diện tích, cơ sở vật chất, nhân lực nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhưng cơ sở này vẫn nhận 170 trẻ, vượt hơn 2 lần so với quy định của thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT.

Trên địa bàn huyện Bình Xuyên hiện có 24 cơ sở, nhóm lớp tư thục được phép hoạt động. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng về quy chế hoạt động của các nhóm trẻ độc lập, tư thục trên địa bàn cho thấy, một số nhóm, lớp không bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, nhận quá nhiều số trẻ theo quy định Thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động đối với các cơ sở mầm non tư thục, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử nghiêm đối với các cơ sở cố tình vi phạm về số lượng theo Thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT.

Có thể nói, việc gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục là lựa chọn của một bộ phận người dân vì phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm trẻ; phối hợp của các ngành, địa phương, đoàn thể và cả phụ huynh để bảo đảm sự an toàn cũng như chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục.

Nguyễn Toàn