Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung điều chỉnh chương trình tổng thể xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2024.
Bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để phòng, chống ngập lụt tại các đô thị ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương.
Những tuyến đường ngập sâu trong nước sau những trận mưa lớn là những hình ảnh quen thuộc tại thành phố Vĩnh Yên trong nhiều năm qua. Đặc biệt tại một số tuyến phố như Nguyễn Tất Thành, Chu Văn An, Mê Linh, Tôn Đức Thắng, có vị trí ngập sâu từ 40-50cm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, lưu thông của người dân.
Đặc biệt hơn, ngập úng không chỉ xảy ra tại các đô thị đông dân cư hay đồng bằng mà còn cả ở khu vực miền núi như huyện Tam Đảo vào tháng 5/2022. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng ngập úng tại các đô thị, nông thôn hiện nay đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ đầm giảm, bề mặt tiêu thoát nước đang bị bê tông hóa và còn nguyên nhân quan trọng từ diễn biến cực đoan của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Vĩnh Phúc đạt trên 65%, cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 1, làm tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương. Song song với bài toán đô thị hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, Vĩnh Phúc cần đặc biệt quan tâm tập trung đầu tư hạ tầng thoát nước và chống ngập úng trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ tại các địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay đến từ nâng cao năng lực của chính quyền các cấp và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển đô thị bền vững đang là yêu cầu đặt ra đối với Vĩnh Phúc để hoàn thành các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt gắn với những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước để xây dựng những khu đô thị, làng quê đáng sống, thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu.
Ngọc Anh