Cập nhật: 03/05/2024 09:35:00
Xem cỡ chữ

Mặc dù đã được các cấp, ngành tuyên truyền nhắc nhở, nhưng tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp; thậm chí ở một số nơi, tình trạng xâm hại các hồ, đập có chiều hướng gia tăng, việc xử lý vẫn thiếu kiên quyết và chưa triệt để.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo, hồ Đồng Nhập, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo hiện nay đang bị hộ ông Nguyễn Văn Sơn xâm phạm, xây dựng công trình trái phép. Tại đây ông Sơn đã xây dựng 5 nhà lắp ghép bằng gạch chỉ, kính tấm nhựa nano; xây tường rào vào vùng phụ cận của lòng hồ Đồng Nhập.

Không chỉ xây dựng dựng công trình trái phép, hộ ông Nguyễn Văn Sơn đã san gạt, đổ đất lấn chiếm ra lòng hồ với diện tích 352,5m2, khoảng 180m3. Việc xử lý, giải quyết vi phạm đất đai tại khu vực hồ Đồng Nhập, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đang được các cấp chính quyền tập trung thực hiện. Huyện Tam Đảo đang chỉ đạo xã Tam Quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp vi phạm, kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm tại khu vực hồ Đồng Nhập, thôn Đồng Bùa.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.500km kênh tưới các loại; 954km kênh tiêu liên huyện, liên xã; 441 hồ đập và 380 trạm bơm các loại. Tính riêng trong 2 năm 2022 và năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, phối hợp xử lý gần 100 vụ việc vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý dứt điểm 10 vụ việc vi phạm tồn tại từ giai đoạn trước.

Với các vi phạm chủ yếu là san lấp, xây dựng, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải chưa qua xử lý, không đảm bảo tiêu chuẩn, đổ rác thải, chất thải vào hệ thống công trình. Nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngang nhiên sử dụng hành lang an toàn công trình các hồ, đập vào mục đích riêng; đắp chặn, khoanh bờ bao trên các trục tiêu, thoát lũ đề nuôi trồng thủy sản; nhiều tuyến kênh tưới bị xâm phạm nghiêm trọng.

Mặc dù, hằng năm, các Công ty TNHH MTV thủy lợi đều phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm và đề nghị UBND xã, thị trấn có biện pháp hữu hiệu để xử lý theo thẩm quyền; tuy nhiên, các hành vi vi phạm nói trên vẫn gia tăng, thậm chí có một số tổ chức, cá nhân nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, tại Chỉ thị số 04 về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi, đê điều tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; hướng dẫn và giải thích cụ thể công tác quản lý, bảo vệ, các hành vi, phương thức xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đê điều trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều theo quy định.

Lưu Trường