Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Nghị quyết thông qua Kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954, với mục tiêu giữ vững quyền chủ động, đánh địch trên cả hai mặt trận: chính diện và sau lưng, phối hợp trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp, can thiệp Mĩ.
Đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược quan trọng để kiểm soát miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc. Với sự viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và gọi là Binh đoàn tác chiến Tây Bắc; đầu tư 12 tiểu đoàn tinh nhuệ với 16.200 quân lính, 10 xe tăng, 52 đại bác và cối hạng nặng, có sự yểm trợ của lực lượng không quân hùng hậu. Pháp và Mĩ coi Điện Biên Phủ là “một pháo đài bất khả xâm phạm”, trung tâm của kế hoạch Na-va.
Trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm, chưa bao giờ Quân đội Nhân dân Việt Nam phải đối mặt với một lực lượng đông và mạnh đến như vậy. Sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhanh chóng bước vào giai đoạn chuẩn bị và tiến hành chiến dịch. Cùng với lực lượng bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường, Nhân dân ta ở khắp mọi miền Tổ quốc đã đóng góp hơn 261.000 lượt dân công với hơn 18 triệu ngày công, hơn 25.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau, hơn 20.900 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng. Những chiếc xe đạp thồ và xe cút kít là hai trong số các phương tiện chủ lực vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điện Biên Phủ khi đó. Mỗi xe đạp thồ lúc đầu chở được 100kg sau nâng lên từ 200 đến 300kg.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, cùng với cả nước, Vĩnh Phúc đã huy động gần một vạn dân công, cùng nhiều phương tiện chuyên chở lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược ra mặt trận. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 1954, Vĩnh Phúc đã bổ sung hàng nghìn chiến sĩ cho các đơn vị bộ đội chủ lực, cung cấp cho tiền tuyến hơn 38.000 kg thực phẩm và 350 xe thồ.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, đúng 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ quân y, cứu chữa cho thương bệnh binh ở chiến trường và may mắn được trở về, Trung tá, Bác sĩ Trần Minh Quang, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên vẫn nhớ như in những tháng ngày khốc liệt, đầy gian khổ, hi sinh mà anh dũng, kiên cường của cả dân tộc trong chiến dịch ấy.
Để giành giật từng tấc đất Tây Bắc nơi địa đầu Tổ quốc, hơn 4.000 người con ưu tú của đất nước đã anh dũng hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Nghĩa trang A1 ở thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi an nghỉ của 644 liệt sĩ, phần lớn đều chưa xác định danh tính. Máu xương các anh hùng, liệt sĩ đã hòa vào sông núi làm nên dáng hình Đất nước. Họ đã trở thành những tượng đài bất tử trong lòng Nhân dân ta. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi tưởng nhớ, tri ân.
70 năm kể từ ngày chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, trên mảnh đất Điện Biên huyền thoại vẫn in đậm nhiều dấu tích của trận địa xưa. Dưới cánh rừng Mường Phăng, hệ thống sở chỉ huy và phòng thủ dã chiến với các hầm hào, lán trại liên hoàn vẫn còn đây. Tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh; trong đó có chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, một trong những quyết định khó khăn trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng. Đó cũng là một quyết định quan trọng về chiến thuật đưa đến ngày giải phóng Điện Biên, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đồi A1 - nơi diễn ra trận chiến quyết liệt để giành chiến thắng cuối cho quân dân ta, vẫn còn đó những hầm hào, hàng dây thép gai, hố bộc phá... Những cứ điểm của trận địa năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử, điểm tham quan, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Bản anh hùng ca bất hủ “Chín năm làm một Điện Biên - Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” sẽ còn vang vọng mãi đến thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngày 07/5/1964 - 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong điều kiện đất nước vẫn phải đối đầu với cuộc kháng chiến chống Mĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trải qua các thế kỷ, trong cuộc đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm để giữ gìn độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng đã từng viết nên những trang sử hết sức oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ. Ngày nay, chúng ta sống trong một thời đại vĩ đại. Tương lai thuộc về chúng ta. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi tiến lên trên con đường đi đến một tương lai ngày càng tươi sáng. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam nhất định thành công. Sự nghiệp thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi”.
Lịch sử đất nước đã chứng minh, dân tộc Việt Nam anh hùng tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kì chống Mỹ, đi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa bình, độc lập, tự do.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, không ngừng nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, anh dũng, kiên cường của dân tộc, thế hệ hôm nay nguyện tiếp bước cha ông, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vững chắc vùng trời, đất liền và biển đảo, nền độc lập, tự do và viết nên những trang sử mới của đất nước trong thời kì hội nhập và phát triển.
Tuyết Minh