Cập nhật: 07/05/2024 08:54:00
Xem cỡ chữ

Khoét núi ngủ hầm/mưa dầm cơm vắt/máu trộn bùn non/gan không núng/chí không mòn... những câu thơ đã lột tả phần nào nỗi gian lao, vất vả của những người lính tiếp lương, tải đạn, mở đường, làm hầm... trong cuộc trường chinh gian khổ, anh dũng của quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Cựu TNXP Đỗ Văn Bính ở Tổ dân phố Công Bình, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc đội TNXP C251, làm nhiệm vụ phá đá, mở đường, kè gầm, làm cầu qua suối, giữ vững mạch máu giao thông. Với những địa danh lịch sử như: bến đò Tạ Khoa, bến đò Âu Lâu, dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, đường 41… gắn liền với niềm tự hào của lực lượng TNXP.

Dưới mưa bom, bão đạn, cựu TNXP Đỗ Văn Bính đã cùng đồng đội trong đơn vị kiên cường làm nhiệm vụ xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng. Đồng thời, chỉ huy tháo, phá thành công nhiều loại bom mìn từ máy bay địch đánh xuống đảm bảo giao thông thông suốt cho dân công hỏa tuyến, bộ đội vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tham gia ngay từ những ngày đầu quân ta mở chiến dịch Điên Biên Phủ, Cựu chiến binh Lê Văn Do, thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo khi đó thuộc Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Trong đợt 1 của chiến dịch, đơn vị ông Do được giao đánh dự bị và làm nhiệm vụ xây dựng giao thông hào, nhằm tạo thuận lợi cho quân ta cơ động di chuyển, giữ bí mật tiếp cận các cứ điểm.

Trong đợt tiến công lần thứ 2 của chiến dịch, đơn vị của ông Do được lệnh tiến đánh đồi C1. Trước hỏa lực mạnh của địch, việc tiến công của đơn vị gặp nhiều khó khăn, hai bên chiến đấu giằng co ác liệt. Chính trong trận đánh này, chiến sĩ Lê Văn Do đã bị thương nặng ở bắp đùi và cánh tay.

Cựu chiến binh Doãn Văn Khiết ở thôn Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc là Đại đội trưởng Đại đội 320, Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đợt tiến công lần 3 của chiến dịch, dù bị hỏa lực của địch bắn phá ác liệt, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, ông Khiết đã chỉ huy đơn vị đánh chiếm được cứ điểm 506.

Với việc tiêu diệt cứ điểm 506, quân ta đã hoàn toàn kiểm soát được tuyến đường 41, tạo điều kiện thuận lợi để tiến thẳng tới bộ chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Ngay sau thắng lợi quan trọng này, rất nhanh chóng quân ta đã hoàn toàn làm chủ thế trận ở Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Đỗ Thế Ân ở thôn Chiến Thắng, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, là Đại đội trưởng Đại đội Thông tin 288, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ngày 7/5 ông Ân đã được giao nhiệm vụ đồng hành cùng tổ xung kích đánh chiếm bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ.

Chiều 7/5, sau những đợt pháo kích dữ dội, cùng những mũi thọc sâu của quân ta đánh phá ác liệt vào các cứ điểm của địch; quân Pháp co cụm, chống trả yếu ớt dần và từng tốp đã ra xin hàng. Ông Đỗ Thế Ân là người trực tiếp truyền những mệnh lệnh của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, kịp thời đến đồng chí Tạ Quốc Luật cùng tổ xung kích đánh thẳng vào hầm chính của bộ chỉ huy Pháp, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó có tướng Đờ Cát Xtơri.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng những chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vẹn nguyên trong tâm trí ký ức về một thời hoa lửa, đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thiên hùng ca bất hủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc mãi mãi trường tồn trong tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.

Lưu Trường