Cập nhật: 13/05/2024 21:50:00
Xem cỡ chữ

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước. Các em có quyền được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít những hành vi bạo lực, xâm hại, gây tổn hại sức khỏe, tinh thần, vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức xã hội. Để bảo vệ trẻ em,Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động thiết thực vì trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ xâm hại trẻ em, giảm 2 vụ, giảm 4 nạn nhân so với năm 2022, trong có 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em nữ (chiếm 84,4% số vụ việc) và cố ý gây thương tích cho 2 trẻ em nam. Phần lớn các vụ xâm hại trẻ em thường xảy ra ở vùng nông thôn và đối tượng xâm hại đa phần là những người có quan hệ quen biết với nạn nhân, thậm chí có trường hợp là người thân. Nạn nhân thường là trẻ nhỏ chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của các đối tượng. Nhiều em bị đối tượng đe dọa nên đã giấu gia đình và trở thành nạn nhân của hành vi xâm phạm tình dục trong thời gian dài mà gia đình không hay biết.

Để hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương triển khai, thực hiện linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn. Quản lý dữ liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp, hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước nạn bạo lực, xâm hại. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho các trường học, từ đó, giúp các trường có thêm kỹ năng, kiến thức để giáo dục các em học sinh.

Hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, quán triệt các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống bạo lực học đường; triển khai thực hiện đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Đến nay, 100% các nhà trường đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó, quy định rõ về hành vi ứng xử đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh; đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền.

Trong hoạt động giáo dục, các trường học tăng cường lồng ghép, giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại, hướng dẫn học sinh cách phòng chống xâm hại theo quy tắc 5 ngón tay để các em xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, từ đó, đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình dành cho trẻ em. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy và đường dây nóng, triển khai nhiều biện pháp thực hiện các nội dung liên quan đến trẻ em.

Nhận thức của gia đình, người dân về công tác phòng chống, bạo lực xâm hại trẻ em dần được nâng cao. Các bậc phụ huynh luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh hằng năm đều giảm, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em từng bước được nâng cao, tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn giảm còn 0,87%; 67% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Để tiếp tục để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, các cấp, ngành chức năng tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ; triển khai thực hiện hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các chương trình, kế hoạch, dự án về trẻ em giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến 2030. Đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng, chính sách, pháp luật về trẻ em. Đưa các mục tiêu bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xã hội và trách nhiệm của từng địa phương, từng ngành, cơ quan, đơn vị. Ưu tiên nguồn lực thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Thu Hoài