Cập nhật: 22/05/2024 21:15:00
Xem cỡ chữ

Đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,góp phần nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP; nhiều cơ sở đã hình thành được chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đưa một số sản phẩm có thương hiệu như thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, mật ong… xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi đạt trên 88%; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh trên 17%; tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử gần 20%; tỷ lệ nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng đạt 13%.

Năm 2024, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí tổ chức các chương trình, hội nghị, lớp tập huấn nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ số, gồm 1 mô hình trồng trọt, 1 mô hình chăn nuôi áp dụng đồng bộ công nghệ số và 1 mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh quy mô 1 ha.

Trường Giang