Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát triển nông nghiệp. Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Người đã khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Quảng Cư đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế lớn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch đã và đang tích cực triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quang Sơn đã tập trung chỉ đạo, phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, Làng văn hóa kiểu mẫu. Qua đó, nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thôn Quảng Cư nằm ở phía Đông Bắc của xã Quang Sơn, có tổng diện tích đất tự nhiên 230 ha, dân số trên 900 nhân khẩu, với trên 200 hộ. Đời sống Nhân dân trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và một bộ phận lao động làm việc ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Là một trong 28 địa phương được chọn thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Quảng Cư đã bám sát Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030 để tập trung phát triển các mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp mang tính đặc trưng, góp phần tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.
Bám sát Bộ tiêu chí của Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu về phát triển kinh tế, thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn đã rà soát và lựa chọn một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương như: Mô hình phát triển kinh tế nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình chăn nuôi hươu sao lấy nhung, mô hình trồng cây dược liệu... Bước đầu, các mô hình này đã làm thay đổi tại Làng Văn hóa kiểu mẫu thôn Quảng Cư. Năm 2023, tổng thu nhập toàn thôn ước đạt 76,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 64,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, số hộ cận nghèo giảm còn 1,8%. Tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 95,8%.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của vùng đất đồi rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Quảng Cư đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế nuôi ong lấy mật, đặc biệt là mô hình nuôi ong theo tiêu chuẩn Viet GAP. Đây là những mô hình phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường đang được thôn triển khai nhân rộng. Hiện tại, tổng số đàn ong của thôn đã lên đến gần 200 đàn. Giá trị thu nhập từ nuôi ong mang lại trung bình từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Các hộ nuôi ong ở thôn Quảng Cư luôn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ từ những hộ nuôi ong lâu năm trên địa bàn xã Quang Sơn để nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần tạo nên thương hiệu ong của Quang Sơn.
Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thôn Quảng Cư đang tập trung phát triển 1 số mô hình mới như: Chăn nuôi hươu lấy nhung, trồng cây dược liệu ba kích, trồng cây trám đen….
Năm 2023, qua tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Thế, thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn thấy một số hộ trong xã nuôi hươu sao có triển vọng, nên ông Thế đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Nguyên. Nhận thấy hươu sao là con vật ít bệnh tật, chúng ít kén chọn thức ăn nên có thể tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như lá cây, cỏ sữa, cà rốt, trái cây các loại..., chuồng trại chỉ cần thông thoáng và sạch sẽ là có thể phát triển tốt; ông Thế đã mua 4 con hươu sao về nuôi. Sau hơn nửa năm chăm sóc, đã có 2 con hươu cho khai thác nhung, với giá bán 2 triệu đồng/100 gam nhung. Hiện tại, đàn hươu của gia đình ông có 05 con, trong đó có một con hươu giống. Ông Nguyễn Văn Thế là 1 trong 20 thành viên Hợp tác xã chăn nuôi hươu Việt Hùng, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch. Sau khi tham gia Hợp tác xã, gia đình ông Thế được hỗ trợ rất nhiều về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Được chính quyền, các tổ chức đoàn thể của địa phương cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây dược liệu; gia đình ông Diệp Văn Chung, thôn Quảng Cư cũng đã chọn cho mình hướng phát triển kinh tế mới. Gia đình ông Chung đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng sắn sang trồng cây ba kích tím với trên 10.000 gốc và 143 cây trám đen xen kẽ.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Quảng Cư tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế với những mô hình phù hợp với tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Hiện các mô hình phát triển kinh tế tại thôn Quảng Cư đang phát huy hiệu quả, mang nét đặc trưng của Làng văn hóa kiểu mẫu; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lập Thạch đã và đang tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các tập thể, cá nhân trên địa bàn thôn Quảng Cư nói riêng, xã Quang Sơn nói chung, nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn huyện.
Để các mô hình phát triển kinh tế tại Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả, mang nét đặc trưng, thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên cơ sở phát huy những lợi thế và điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, phổ biến để người dân hiểu rõ và đăng ký các mô hình phát triển kinh tế mới, đa dạng, độc đáo, mang lại hiệu quả cao.
Thúy Hơn