Cập nhật: 08/07/2024 15:31:00
Xem cỡ chữ

Sáng 8/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ NN&PTNT triển khai tại địa bàn thành phố Cần Thơ.

Mô hình đã mang lại hiệu quả khi năng suất tăng, giảm phát thải khí nhà kính và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200 đến 300 đồng/kg lúa.

HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại huyện Vĩnh Thạnh được chọn để thí điểm mô hình tại Cần Thơ, qua triển khai mô hình đã mang lại những kết quả rõ rệt khi giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX cho biết, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đã thành công và mang lại kết quả bước đầu, lợi nhuận của người dân tăng, giảm chi phí sản xuất trong suốt quá trình canh tác và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.

mo hinh thi diem 1 trieu hecta tai can tho tang nang suat, giam phat thai hinh anh 1

Đoàn đại biểu của Philippines đến tham quan tại mô hình

Theo ông Nguyễn Cao Khải, mô hình thí điểm sử dụng giống lúa OM 5451 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, ở mô hình này đã có sự tham gia của doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Điều quan trọng nhất của mô hình là giảm phát thải khí nhà kính, tăng lợi nhuận, đây là điều mà người dân mong đợi trong quá trình tham gia thực hiện đề án.

“Tâm trạng cũng hồi hộp khi chăm sóc lúa theo mô hình, nhưng đến kết quả ngày hôm nay thì mô hình này tôi rất hài lòng. Theo chương trình này cho đến bây giờ thì nước giảm từ 10 – 15%, đầu ra rất ổn định”, ông Nguyễn Cao Khải phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, qua thí điểm đề án tại Cần Thơ ở vụ lúa Hè Thu đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề án về sử dụng giống xác nhận, được sử dụng 60kg/hecta; sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ngập, khô xen kẽ; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch, thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng.

mo hinh thi diem 1 trieu hecta tai can tho tang nang suat, giam phat thai hinh anh 2

HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại huyện Vĩnh Thạnh được chọn để thí điểm mô hình tại Cần Thơ

Kết quả của mô hình thí điểm cho thấy đã giảm số lần bón phân xuống còn 2 lần/vụ; giảm 20% lượng phân bón vô cơ; giảm lượng nước tưới; giảm dịch bệnh trên lúa; giảm đổ ngã và hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, kết quả từ mô hình chính là nền tảng để ngành nông nghiệp Cần Thơ nhân rộng đến các vùng tham gia đề án 1 triệu hecta lúa đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mô hình này được thực hiện với 2 mục tiêu, thứ nhất là thông qua việc áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị và như vậy sẽ tăng thu nhập cho người dân. Thứ hai là thông qua quy trình canh tác giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống gieo sạ và phân bón sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

mo hinh thi diem 1 trieu hecta tai can tho tang nang suat, giam phat thai hinh anh 3

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI thông tin tại buổi tổng kết mô hình

Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, qua thí điểm đã cho thấy chúng ta đang trên con đường thực hiện được hai mục tiêu trên và tiếp tục lan tỏa mô hình này tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và cả Việt Nam, thực hiện được mong đợi của người trồng lúa có được cuộc sống tốt đẹp hơn, thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch và đóng góp chung vào mục tiêu của thế giới về chống biến đổi khí hậu.

 “Đây là một trong những mô hình tương đối hoàn thiện, chúng tôi thực hiện trên cơ sở 7 năm về trước với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã thực hiện một dự án đã hoàn thiện một bước cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và cũng đã áp dụng thử các gói kỹ thuật ở mô hình này chúng tôi hoàn thiện thêm một bước nữa. Nếu bà con nông dân thấy rằng đã khá rồi thì chúng ta sẽ cùng nhau nhân rộng ra, trước mắt đến năm 2030 chúng tôi hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu hecta”, ông Cao Đức Phát nói.

mo hinh thi diem 1 trieu hecta tai can tho tang nang suat, giam phat thai hinh anh 4

Thu hoạch lú tại mô hình thí điểm ở Cần Thơ

Theo đánh giá từ đại diện của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, mô hình này năng suất cao hơn so với canh tác truyền thống, năng suất ước đạt từ 6,3 đến 6,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm khi mang rơm ra khỏi đồng ruộng và điều quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, thành phố Cần Thơ đã khởi động cánh đồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại HTX Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 50 hecta để chứng minh các lợi ích của việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo.

Theo Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

 https://vov.vn/kinh-te/mo-hinh-thi-diem-1-trieu-hecta-tai-can-tho-tang-nang-suat-giam-phat-thai-post1106508.vov