Cập nhật: 02/07/2024 20:30:00
Xem cỡ chữ

Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải gây ra tại các địa phương.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, vẫn còn nhiều nhiệm vụ và mục tiêu trong Đề án không đảm bảo tiến độ đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị để giải quyết hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Mục tiêu của Đề án, đến năm 2025 toàn tỉnh hình thành 4 cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường và Yên Lạc với tổng công suất khoảng 1.390 tấn/ngày. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm, hiện mới xây dựng được 2 nhà máy với công suất 195 tấn/ngày (đạt 14% về công suất đề ra đến năm 2025). Trong đó, nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương có công suất 75 tấn/ngày đang phải dừng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện theo quy quy định.

Do Nhà máy Xử lý rác thải Tam Dương đã tạm dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác, thị trấn Hợp Hòa cũng không có bãi tập kết, trung chuyển rác nên rác được đổ tạm ngay trên đường giao thông. Không những vậy, rác còn tràn ra điểm giao cắt với tuyến đường tránh của thị trấn. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Theo Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2023, Vĩnh Phúc hoàn thành cải tạo 140/232 bãi chôn lấp rác thải tại các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo, Sông Lô và thành phố Vĩnh Yên. Nhưng đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành cải tạo được 15 bãi rác, đạt 11% so với mục tiêu đề ra đến năm 2023 và đạt 6,5% tổng số bãi rác phải cải tạo phục hồi môi trường. Khu xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương đều trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được điều kiện về môi trường.

Hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị. Nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%), và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%). Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của Đề án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống và nâng cao sức khỏe của Nhân dân, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các Ban, sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố bám sát nội dung và nhiệm vụ được giao trong Đề án, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.

Rà soát, bổ sung các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải vào danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn đến 2025. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư công để triển khai xây dựng các điểm tập kết trung chuyển rác thải và cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp ở cấp huyện, cấp xã. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức phân loại rác tại nguồn, ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương.

Lưu Trường