Cập nhật: 10/07/2024 08:03:00
Xem cỡ chữ

Hình phạt cho bị can Nguyễn Thị Hồng Bích trong vụ án dùng xyanua đầu độc chồng và các cháu có thể phải đối diện với mức hình phạt tù cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Vụ án Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) đầu độc chồng và 3 người cháu trong gia đình đang gây rúng động dư luận. Tại cơ quan điều tra, bị can Bích khai nhận đã đầu độc chồng và các cháu ruột bằng chất kịch độc xyanua.

Theo đó, vào giữa tháng 10/2023, Bích cho rằng chồng mình là N.T.T.Th. (38 tuổi) thường xuyên cờ bạc nên đã bực tức, nảy sinh ý định sát hại bằng thuốc độc. Bích đã bỏ xyanua vào thuốc cho chồng uống. Đến ngày 18/10/2023, chồng Bích đã tử vong.

Vài tháng sau, Bích tiếp tục đầu độc, cướp đi mạng sống của 2 người cháu là N.K.D. (7 tuổi, con của em gái) và N.H.N. (12 tuổi, con ruột của anh trai của Bích). Nguyên nhân là bởi những mâu thuẫn trong gia đình.

Ngoài anh Th., cháu D. và cháu N., gia đình người thân của Bích có thêm 2 người tử vong bất thường là bố và con trai ruột của Bích.

Dau doc nguoi than bang chat xyanua - toi ac khong the tha thu hinh anh 1

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Bích

Sau cái chết của chồng và con, Bích được hưởng khoảng 800 triệu đồng tiền bảo hiểm. Số tiền này Bích dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Đến tháng 6/2024, Bích tiếp tục đầu độc cháu ruột là anh N.H.B.T. (18 tuổi). Sau khi uống thuốc do Bích đưa, anh T. bị hôn mê và được đưa đi cấp cứu. Quá trình điều trị, bệnh viện thông báo kết quả xét nghiệm có chất xyanua. Nghi ngờ có khuất tất, gia đình T. đã làm đơn trình báo công an và đề nghị điều tra. Từ đó, hành vi tàn ác của Bích bị phát hiện.

Hành vi đầu độc nhiều người thân của Nguyễn Thị Hồng Bích khiến dư luận hoang mang, phẫn nộ bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm, bất chấp đạo đức và lặp lại nhiều lần.

Qua quan sát vụ việc, Luật sư Hoàng Minh Hiển, Trưởng Văn phòng luật sư HHM Việt Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, bị can Nguyễn Thị Hồng Bích trong vụ án dùng xyanua đầu độc chồng và 3 người cháu như truyền thông đăng tải có thể phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Ở vụ án này, người bị buộc tội có thể phải chịu sự trừng phạt của pháp luật với khung hình phạt cao nhất là Tử hình với những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g Điều 52 nếu phạm tội 2 lần trở lên. Ngoài ra, người bị buộc tội còn bị xã hội lên án và có thể phải chịu sự cắn dứt lương tâm”.

Hiện tại, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục lấy lời khai, mở rộng điều tra để xác định rõ động cơ, mục đích của đối tượng. Trong khi đó, nạn nhân sống sót duy nhất là anh T. hiện đã được xuất viện.

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;

k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;

n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Theo PV/VOV.VN   

 https://vov.vn/phap-luat/dau-doc-nguoi-than-bang-chat-xyanua-toi-ac-khong-the-tha-thu-post1106738.vov