“… Tôi không thể ngồi yên nhìn lũ giặc
Tôi không thể nén lòng căm uất
Trong đau thương chết chóc của đồng bào
Cháu xin Bác cho vào nam chiến đấu
Để cháu trút căm hờn trên đầu súng, mũi lê”
( Trích Tiếng gọi non sông – Nhật ký của liệt sĩ Hồ Hồng Hải, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên)
Và “Trên những nẻo đường Tổ quốc” là “ những nơi tôi đã sống và đã đi, là rừng núi trùng điệp của Tam Đảo, là đồng cỏ mênh mông của Thủy Nguyên, là dòng sông Bạch Đằng cuộn sóng. Là cánh đồng rộng mênh mông của 10 tỉnh miền Bắc” (Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hồng Hải, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên)
Mỗi chặng đường chiến đấu là nỗi nhớ vợ, thương con nơi quê nhà : “ được chiến sĩ thi đua đơn vị và một đảng viên 4 tốt và cũng được cán bộ 4 tốt, được trên tặng thưởng một Huân chương vì lúc này bận cộng tác…sự tiến bộ của anh mà không phải một mình anh mà làm được thế, trong đó cũng có em 1 phần, em đã động viên cho anh được an tâm công tác” (Trích- Thư của Liệt sĩ Trần Ngọc Xuân gửi vợ là bà Nguyễn Thị Sơn, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên)
Chúng tôi tình cờ được bà Phạm Thị Xuân, thôn Chân Sơn, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên chia sẻ về cuốn nhật ký của chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Hồng Hải, một người con của Hà Nội nhưng có quá trình công tác và xây dựng gia đình tại Hương Sơn từ năm 1965-1967. Sau đó ông Hải được chuyển qua rất nhiều cương vị công tác khác nhau. Đến năm 1977 bà Xuân nhận được giấy báo tử của chồng.
Cùng hoàn cảnh và cùng quê với bà Xuân, bà Nguyễn Thị Sơn cũng nhận được giấy báo tử của chồng khi hạnh phúc chưa vẹn tròn, chưa kịp có với nhau một đứa con nào. Liệt sĩ Trần Ngọc Xuân hi sinh khi đang là Tiểu đoàn trưởng, Bộ tư lệnh 559 tại mặt trận phía Nam. Họ hi sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, còn những người vợ cũng âm thầm dành cả tuổi thanh xuân để thờ chồng.
Đất nước có chiến tranh, những người vợ, người mẹ đã gạt tình cảm riêng, động viên chồng, con lên đường ra trận dù biết chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng người thân của họ. Hòa bình lập lại, nhiều người trong số họ không có cơ hội gặp lại người thân. Mất mát đau thương chồng chất nhưng bằng nghị lực phi thường, những người vợ, người mẹ ấy đã vượt lên khó khăn làm trụ cột gia đình trong phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thê, thôn Hoàng Thượng xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự: “Chồng tôi khi ở Trường Sơn có viết thư về nói: Vai anh đeo nghìn cân, chân anh đi vạn dặm, em đừng suy nghĩ anh nằm đâu cùng là nhà cả. Chính vì vậy gia đình tôi chưa bao giờ có ý định đi tìm mộ của ông ấy”
Năm 1965, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Mẹ Thê nhận được thư của chồng, Mẹ đã biết chiến tranh ác liệt như thế nào. Năm 1966, mẹ nhận được giấy báo tử của chồng, một mình mẹ gồng gánh nuôi 3 người con trai ăn học. Vậy mà đến năm 1985 Mẹ vẫn ủng hộ cho người con của mình xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại biên giới. Năm 1986 mẹ lại nhận được giấy báo tử lần thứ 2. Những đau thương mất mát ấy khó có thể nói lên thành lời.
Hơn 100 năm chìm trong khói lửa chiến tranh, những tội ác của kẻ thù có thể được khắc vào bia đá. Thế nhưng Việt Nam sẵn sàng khép lại trang sử đau buồn ấy và hướng về tương lai. Tuy nhiên, chúng ta vẫn lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày cả Đất nước và Dân tộc lắng nghe từ tận trái tim mình lòng biết ơn và tấm gương của các bậc cha anh chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang quản lý gần 127.874 đối tượng người có công với các mạng trong đó có 14 bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 07 anh hùng lực lượng vũ trang; 4.401 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 219 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Họ là những nhân chứng của lịch sử, là hiện thân của lòng yêu nước để mỗi khi tháng 7 về cả Dân tộc lại kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của Dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Dân tộc, thống nhất Đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với chủ đề “Ngày Chủ nhật xanh” các đoàn viên trên địa bàn toàn huyện Vĩnh Tường đã đồng loạt ra quân tiến hành chăm sóc, vệ sinh các phần mộ liệt sĩ; quét dọn, cắt tỉa cây xanh, nhổ cỏ và thực hiện vệ sinh môi trường trong toàn bộ khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện, góp phần làm nghĩa trang khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Một trong những hoạt động có ý nghĩa được Đoàn TNCS Hồ chí Minh triển khai trong thời gian qua đó là việc phục chế lại ảnh liệt sĩ. Việc làm này đã góp phần để “đường về” với quê hương của các liệt sỹ bớt gian nan. Thông qua việc phục chế ảnh và giúp thân nhân liệt sĩ đăng tải thông tin lên các cơ quan phụ trách, không để họ phải kiếm tìm phần mộ của những người đã khuất trong vô vọng. Việc chuẩn hóa, xác minh thông tin liệt sỹ và mộ liệt sỹ để cung cấp cho các đơn vị và cập nhật phần mềm lưu trữ Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện cho người dân và thân nhân liệt sỹ tiếp cận thông tin nhanh nhất, giúp họ bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.
Đồng hành cùng nhiều cá nhân, tổ chức trong công tác quan tâm, chăm sóc người có công Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh còn đảm nhận việc chăm lo, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng. Trong tháng 7, hội phụ nữ các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng,các gia đình thương binh liệt sĩ, tổ chức giúp đỡ dọn dẹp, vệ sinh tới các gia đình chính sách neo đơn. Đó cũng là một số hoạt động ý nghĩa, thiết thực thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giáo dục thế hệ trẻ tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Giá của hòa bình, độc lập là máu xương của biết bao con người, họ đã gửi lại mùa xuân cho những người ở lại, cho thế hệ mai sau. Là tấm gương và động lực cho thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc./.
Thùy Chung