Cập nhật: 31/07/2024 20:45:00
Xem cỡ chữ

Các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trên địa bàn tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những gia đình có con em bị chậm phát triển hoặc mắc chứng tự kỷ.  Với tình thương, tâm huyết và trách nhiệm, nơi đây đã trở thành mái ấm gia đình thứ 2 của các em, góp phần đem lại hạnh phúc cho nhiều mảnh đời không may mắn để các em hoà nhập cộng đồng.

Sinh con ra, không may mắn khi con bị mắc chứng tự kỷ, vợ chồng anh Trần Quốc Bình ở phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên đã vất vả đưa con đi điều trị, can thiệp ở khắp nơi, tốn kém nhiều tiền bạc nhưng hành vi của con không thuyên giảm. Tuy nhiên, khi Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phúc Yên đi vào hoạt động, lại gần nhà, niềm vui của gia đình anh Bình như vỡ oà khi đã tìm được một mái ấm cho các trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển, trong đó có con của mình.

Trẻ mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển, khó khăn về ngôn ngữ, tăng động, giảm chú ý đã được các gia đình tin tưởng gửi đến với Trung tâm như một mái ấm gia đình thứ hai. Trung tâm hiện có các mô hình giáo dục bán trú cho trẻ nhỏ như: can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, tâm vận động, trị liệu nước, các tiết học chuẩn bị kỹ năng hòa nhập tiểu học và đặc biệt là mô hình nội trú cho trẻ lớn với điểm mạnh khác biệt là trị liệu vận động cơ bản và chuyên sâu.

Với sự kiên trì của phương pháp vận động thông minh, tình trạng các em dần dần cải thiện. Trung tâm đang nghiên cứu thực nghiệm thí điểm với Trường Trung cấp nghề để dạy các nghề đơn giản giúp các em có cơ hội việc làm, hòa nhập cuộc sống.

Với diện tích hơn 10.000m2 tại phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên, Trung tâm được đầu tư hiện đại các khu chức năng: khu nhà ở nội trú, các phòng học chức năng, phòng dạy kĩ năng, phòng đánh giá, phòng can thiệp cá nhân; phòng luyện tập vận động, khu bếp, vườn cây rau quả, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời đảm bảo đủ diện tích, không gian, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hình thức hỗ trợ trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật. 

Dạy một trẻ em bình thường đã vất vả, nhưng dạy các trẻ em tự kỷ, khuyết tật, chậm phát triển càng khó khăn gấp bội. Trong môi trường giáo dục đặc biệt này lại càng khó thu hút được giáo viên. Tuy nhiên, bằng tâm huyết, trách nhiệm và môi trường giàu bản sắc tình thương, Trung tâm đã có những chính sách đào tạo lâu dài và bài bản; tất cả các giáo viên Trung tâm đều tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm và có chứng chỉ giáo dục đặc biệt. Cảm thông với các học sinh đặc biệt và sự vất vả của các phụ huynh, giáo viên Trung tâm đều say mê với nghề và gắn bó dưới mái nhà chung của những trẻ em kém may mắn.

Ý thức được sứ mệnh hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm đã tích cực phối hợp với Phòng GD-ĐT Thành phố Phúc Yên và các địa phương tiến hành sàng lọc, đánh giá, tư vấn miễn phí cho toàn bộ học sinh có khó khăn trong hòa nhập giúp các phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của can thiệp sớm trong độ tuổi vàng cho con em mình.

Chứng kiến nhiều em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống, mắc những chứng bệnh như tự kỷ, thiểu năng, nhận thấy một số gia đình ở Vĩnh Phúc vất vả, tốn kém khi phải đưa con về Hà Nội tham gia các lớp giáo dục hòa nhập, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chị Nguyễn Thị Việt Hà ở huyện Tam Dương quyết định trở về quê hương mở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí. Từ 1 cơ sở ban đầu tại thành phố Vĩnh Yên, hiện nay, Trung tâm đã phát triển được 9 cơ sở tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Trung tâm hiện tiếp nhận và chăm sóc nhiều trẻ từ 20 tháng tuổi đến 18 tuổi với số lượng 300 trẻ đặc biệt bị khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, chậm nói, trẻ mắc hội chứng down. Hiện nay, Trung tâm có gần 40 giáo viên có trình độ sư phạm từ cao đẳng trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt. Được nuôi dạy đúng cách, các trẻ đặc biệt được trang bị kỹ năng sống, tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Rất nhiều trẻ đặc biệt khi được can thiệp tích cực và đúng thời điểm, sau một thời gian ngắn đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Những khiếm khuyết về thân thể, trí tuệ của các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần nhiều thời gian tâm sức, thậm chí là cả cuộc đời để chữa lành. Nhưng dưới mái ấm các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập, các em luôn tiến bộ hằng ngày. Đây cũng là động lực để các Trung tâm không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ sở giáo dục chuyên biệt, chắp cánh ước mơ, khát vọng hòa nhập cho các trẻ em kém may mắn.

Ngọc Anh