Cập nhật: 29/08/2024 21:15:00
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, diện mạo vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu khá quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được phát huy, đồng bào dân tộc thiểu số luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Để có được kết quả đó là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có sự quan tâm vào cuộc của Ban dân tộc với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục khác nhau đã tạo ra những hiệu quả tích cực.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 11 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được coi là cầu nối giữa chính quyền và đồng bào.

Hiện nay, toàn tỉnh có 121 người có uy tín, phân bố tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, khuyến khích họ tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín.

Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho gần 900 lượt người có uy tín về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những vấn đề quốc phòng-an ninh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương. Bên cạnh đó, Ban dân tộc còn tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác động viên, khen thưởng người có uy tín được thực hiện kịp thời, giúp người có uy tín nhận thức được vinh dự, trách nhiệm của mình đối với dân làng và cộng đồng, từ đó, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.

Trước đây, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo từng được biết đến là một trong những xã nghèo của huyện với gần 90% dân số là người đồng bào dân tộc Sán Dìu. Song, với việc tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung khai thác thế mạnh về nông nghiệp, kinh tế đồi rừng. Là một cán bộ xã đã về hưu, ông Lam Xuân Tiến thôn Phân Lân Thượng được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín của thôn.

Bản thân gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Để thay đổi thói quen canh tác của đồng bào, ông Lam Xuân Tiến luôn trăn trở suy nghĩ và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế của bản thân, muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải chịu khó lao động. Ông Tiến đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn cách làm ăn, biết tự lực vươn lên, không ỷ lại vào Nhà nước. Bất cứ khi nào có thời gian là ông lại đến với bà con trong thôn để trò chuyện và kết hợp với đó là nắm bắt tình hình các hộ dân để tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Từ nhiều năm nay, những đứa trẻ này đã quen thuộc với hình bóng của ông Tiến. Ông chính là người truyền lửa cho thế hệ trẻ trong thôn bảo tồn và phát huy chữ Nho của người dân tộc Sán Dìu. Ông Tiến đã mở những lớp dạy chữ Nho miễn phí cho các cháu học sinh Tiểu học và THCS ở trong thôn với mong muốn lưu giữ các bản sắc, văn hóa của người dân tộc Sán Dìu.

Không chỉ có ông Tiến, trên địa bàn xã Đạo Trù hiện nay cũng có 12 ông, bà là người có uy tín đang cùng với chính quyền địa phương chung tay phát triển quê hương. Từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đạo Trù đã có sự thay đổi rõ rệt, việc làm ổn định, thu nhập của Nhân dân trong xã nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao.

Là một trong những xã có hơn 400 hộ đồng bào Cao Lan sinh sống, những năm qua, người dân trên địa bàn xã Quang Yên, huyện Sông Lô cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ông Đào Văn Lin, người có uy tín thôn Đồng Rạ đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; vận động, khuyến khích các hộ dân khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, giải quyết việc làm để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

Được công nhận là người có uy tín từ năm 2012 đến nay, ông Vi Văn Lộc thôn Đồng Rong xã Quang Yên huyện Sông Lô là một minh chứng rõ nét về vai trò gắn kết cộng đồng dân cư. Không những thế, ông cùng với chính quyền địa phương đã đưa các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất sản phẩm OCOP ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xây dựng thành công sản phẩm rượu men lá của đồng bào. Việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, nhiều người có uy tín dân tộc thiểu số là tấm gương sáng để đồng bào học tập.

Sự phối hợp chặt chẽ của Người có uy tín trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đồng bào. Đặc biệt, với uy tín, sự hiểu biết về văn hóa, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của đội ngũ người có uy tín cũng như tình hình thực tiễn của địa phương, họ đã tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình và là cầu nối rất quan trọng để phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Qua đó, từng bước khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, hăng hái lao động sản xuất, ổn định cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thùy Chung