Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sự lan tỏa kết nối trên các mạng xã hội đã đem lại nhiều giá trị tích cực, song cũng không tránh khỏi những mặt trái có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những hội nhóm kín mang tính chất tiêu cực, lan truyền những nội dung phản cảm, kích động các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Trong thời gian qua, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, số lượng hội nhóm trên các trang mạng xã hội gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh những hội nhóm tích cực chia sẻ lối sống, sở thích lành mạnh, hỗ trợ việc học tập, phát triển bản thân… thì cũng có rất nhiều hội nhóm do đối tượng xấu lập ra để kích động, hướng dẫn những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc hình sự có tính chất manh động xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đối tượng Phùng Ngọc Tôn, sinh năm 1986, ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Vĩnh Yên bắt giữ, khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Tôn kết nối với 3 đối tượng là Hoàng Tiến Trường, ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); Nguyễn Kim Đông, ở huyện Thanh Oai (Thành phố Hà Nội); Hoàng Anh Tuấn, ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) qua nhóm Facebook “Vỡ nợ làm liều”. Các đối tượng rủ nhau đi trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn đập cửa kính ô tô để trộm cắp tài sản bên trong, các đối tượng đã gây ra 6 vụ việc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và hàng chục vụ việc tương tự khác ở các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, thành phố Hà Nội.
Ngày 8/3/2024, trên địa bàn phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên xảy ra vụ cướp giật 1 tỷ đồng. Một người phụ nữ đến một ngân hàng rút tiền, lúc ra về thì bị các đối tượng đi xe mô tô từ phía sau áp sát giật chiếc túi bên trong có 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 3 đối tượng là thủ phạm gây án đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ gồm Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1992, trú tại xã Liên Hòa, huyện Kim Thành (Hải Dương), Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1999, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) và Dương Đức Luân, sinh năm 2000 ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận trước đó không có mối quan hệ quen biết gì nhau. Do nợ nần, thiếu tiền tiêu sài cá nhân, Hùng, Nam và Luân cùng tham gia nhóm Facebook “Hội Những Người Vỡ Nợ Muốn Làm Việc Lều - Toàn Quốc”. Từ đây, các đối tượng kết nối rủ nhau đi cướp tài sản để lấy tiền tiêu sài
Hội Vỡ nợ muốn làm liều, Hội túng quẫn làm liều, Hội những người đi tù… Đó chỉ là một vài trong vô số các hội nhóm tiêu cực tương tự trên mạng xã hội mà bất kì ai cũng có thể dễ dàng tham gia. Với con số từ vài ngàn để cả vài trăm ngàn thành viên, các hội nhóm trên thực sự tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ kích động tâm lý tiêu cực của những người đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh các hội nhóm có tính chất phạm pháp như trên, còn nhiều hội nhóm khác cổ súy cho hành vi vi phạm đạo đức, kích động tâm lý tiêu cực gây hại cho an toàn xã hội như: Hội lô đề, hội sử dụng ma túy, hội môi giới mại dâm, hội đánh bạc, hội buôn bán hàng cấm, phát tán video bạo lực, hội đi bụi, hội ghét cha mẹ, hội ghét đàn ông, hội ngoại tình và vụng trộm, hội chán vợ chán chồng, hội chán sống, hội chán đời, hội những người trầm cảm muốn tự tử…vv.
Trong các hội nhóm trên, phần lớn những người tham gia đăng bài chia sẻ về các câu chuyện tiêu cực, áp lực cuộc sống… Dưới những bài đăng ấy, các bình luận an ủi, động viên tinh thần có tính chất tích cực rất ít mà chủ yếu là các bình luận a dua. Tâm lý đám đông của hàng ngàn người trong các hội nhóm khiến cảm xúc bi quan lây lan làm trầm trọng thêm suy nghĩ tiêu cực, thúc đẩy các thành viên có hành vi vi phạm đạo đức, làm tổn hại người khác và chính bản thân mình.
Môi trường mạng là ảo, nhưng hậu quả nó gây ra hoàn toàn là sự thật. Việc tham gia các hội nhóm đen trên mạng thực sự là một vấn đề nghiêm trọng tác động tiêu cực đến một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là thanh thiếu niên. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, trang bị cho bản thân và quan tâm giáo dục con em những kiến thức cần thiết liên quan việc sử dụng internet, tham gia mạng xã hội một cách thông minh và đúng mực để không trở thành nạn nhân của thế giới ảo. Cân nhắc cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội. Chỉ tham gia những hội nhóm chia sẻ quan điểm, lối sống tích cực.
Quá trình tham gia bất kì hội, nhóm nào trên mạng xã hội, cần tỉnh táo chọn lọc thông tin hữu ích và phù hợp, đối với những thông tin nhạy cảm cần có sự kiểm chứng trước khi tiếp nhận hoặc chia sẻ; nếu phát hiện nội dung xấu độc, cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật hoặc tư tưởng, suy nghĩ không lành mạnh, cần thực hiện thao tác “báo xấu” và cân nhắc việc rời khỏi hội, nhóm.
Khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nên ưu tiên tìm đến những người tin cậy xung quanh hoặc các chuyên gia trong đời thực để tìm biện pháp giải quyết phù hợp, không tham gia các hội nhóm “đen” có nội dung bàn luận, trao đổi, chia sẻ những nội dung cổ súy cho các suy nghĩ và hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Bất kì ai nếu biết người thân, bạn bè tham gia các hội nhóm “đen” trên mạng cần kịp thời nhắc nhở; nếu phát hiện các nội dung bàn luận, chia sẻ, kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác vi phạm pháp luật thì cần thông tin cho cơ quan chức năng. Đặc biệt hiện nay, mỗi công dân đều có thể thông tin tố giác tội phạm qua tài khoản định danh điện tử VNieD, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi và bảo mật.
Bích Hằng