Đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, lụt bão có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều tuyến đê, bờ sông bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, thực trạng này diễn ra nhiều năm nhưng chưa được xử lý và đang hàng ngày đang đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Từ nhiều năm nay, tuyến đường đê Sáu Vó thuộc địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đê Sáu Vó có chiều dài 3,7 km, chạy từ xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên sang xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Đây là một tuyến đê xung yếu, có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống lụt bão của huyện Bình Xuyên nói riêng và của tỉnh nói chung. Thế nhưng tuyến đê kết hợp đường giao thông này bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn tuyến xuất hiện nhiều điểm mặt đê bị sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mới đây, do ảnh hưởng của đợt mưa từ chiều tối 22/8 đến sáng 23/8, vào hồi 7h15 phút ngày 23/8, đê Sáu Vó bị sạt, trượt mái đê, đoạn giáp với cửa xả cống tiêu Sáu Vó, có mức độ nguy hiểm cao.
Bờ sông Đại Nạn tại Tổ dân phố Đồng Quỳ, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên cũng đã bị sạt lở nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý. Trong khi đó, các điểm sạt lở đã vào sát mép đường giao thông, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu tuyến đường. Theo phản ánh người dân, việc sạt lở bờ sông Đại Nạn đã diễn ra từ năm 2021 và cứ mỗi năm bờ sông lại sạt lở thêm một ít. Trên đoạn đường dài khoảng 200 mét, có tới 3 điểm sạt lở; có điểm sạt lở ăn sâu 4 m vào sát mép đường giao thông. Để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện tham gia giao thông, chính quyền địa phương đã đặt nhiều biển cảnh báo, hạn chế qua lại trên tuyến đường. Thực trạng này khiến Nhân dân sống trên địa bàn rất lo lắng mỗi khi mùa mưa đến.
Nghiêm trọng hơn, tại vùng bãi sông Lô thuộc địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô, trong những ngày gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng, tài sản, hoa màu của nhiều hộ dân trên địa bàn. Đây là khu vực dễ bị ảnh hưởng thiệt hại bởi thiên tai vì có mặt cắt hẹp, hiện trạng mái bờ sông dốc đứng tại nhiều vị trí. Theo ghi nhận, hiện tượng sạt lở bắt đầu từ năm 2021, và sạt lở mạnh trong mùa mưa lũ các năm 2022, 2023; sau mùa mưa lũ năm 2023, phạm vi sạt lở lan rộng với chiều dài đoạn bờ sông sạt lở khoảng 700m, ăn sâu về phía chân đê từ 20m đến 30m, ước tính diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở khoảng 2 ha.
Trước thực trạng sạt lở, mất an toàn tại các tuyến đê, bờ bãi ven sông, chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở và nhiều biện pháp đảm bảo an toàn. Nhưng về lâu dài, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần sớm triển khai các dự án xử lý sạt lở, xây dựng các bờ bao, bờ kè, tuyến đê kiên cố, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân; nhất là khi mùa mưa bão có những diễn biến bất thường.
Lưu Trường