Làng nghề chế tác đá truyền thống Hải Lựu, huyện Sông Lô có từ hàng trăm năm qua. Nét độc đáo, đặc trưng riêng có về màu sắc, tính chất, độ bền của đá Hải Lựu đã làm nên sức sống bền bỉ của làng nghề qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, xã Hải Lựu bên bờ sông Lô có cảnh quan thiên nhiên hữu tình cùng văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân, tạo điều kiện để phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ.
Nghề chế tác đá là nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở xã Hải Lựu. Theo các cụ cao niên địa phương kể lại, nghề chế tác đá nơi đây hình thành từ những năm đầu thập kỉ 20, 30 của thế kỉ XX. Đá ở Hải Lựu có nét đặc trưng không lẫn với đá của các vùng khác, đó là đá kết cát, mềm, có thể chẻ ra thành mảng như xẻ gỗ. Đá có màu xanh và bền, có thể phơi mưa, phơi nắng nhưng ít bị bào mòn. Đây là những tiêu chuẩn lí tưởng để người thợ chế tác đá tạo ra những sản phẩm đẹp, bền, chắc, tồn tại song hành cùng thời gian.
Xuất phát từ nguồn đá ấy, người xưa đã khai thác và chế tác ra các công cụ, dụng cụ đơn giản phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người như: cối giã, cối xay, đá kê chân cột., đá phục vụ tam linh, trang trí nhà cửa, sân vườn. Qua bàn tay, sự sáng tạo và tỉ mỉ của người dân nơi đây, các sản phẩm được làm từ đá của Hải Lựu đã được đưa đi muôn nơi.
Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong từng giai đoạn, sản phẩm của làng nghề đá truyền thống Hải Lựu dần được chế tác theo hướng tinh xảo, thẩm mĩ và có giá trị kinh tế cao, như các bức phù điêu, các bức tượng có kích thước lớn.
Trên địa bàn xã Hải Lựu hiện có hơn chục cơ sở sản xuất đá xây dựng và đá mĩ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Cấp ủy, Chính quyền xã Hải Lựu luôn quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở, hộ duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Gia đình anh Hà Minh Phúc là chủ Cơ sở Sản xuất đá xây dựng và đá mỹ nghệ Phúc Thắng, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô một trong những hộ gắn bó với nghề truyền thống đá qua nhiều thế hệ. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình anh đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm làm từ đá và đã được thị trường đón nhận, phản hồi tích cực.
Một trong những sản phẩm chủ lực, thịnh hành của làng nghề đá truyền thống Hải Lựu hiện nay là cột đèn trang trí sân vườn, tiểu cảnh. Để có thể tạo nên những sản phẩm có đường nét tinh xảo, vẻ đẹp vừa cổ kính, sang trọng vừa mang nét hiện đại, có giá trị thẩm mĩ cao, người thợ làng nghề đã kết hợp đôi tay tài hoa với sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại và luôn thổi hồn vào sản phẩm, coi mỗi sản phẩm đá đều là một tác phẩm nghệ thuật.
Đá ở Hải Lựu có thể làm thành nhiều mặt hàng khác nhau, từ đá xây dựng dùng để làm cột, lát nền, làm lối đi... đến các sản phẩm tinh xảo với nhiều họa tiết, hoa văn trang trí như: cột đình, bia đá, lư hương, những pho tượng linh thiêng… Đó cũng là tài hoa và sự khéo léo, tinh tế của người thợ làm nghề truyền thống Hải Lựu. Bằng cách trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thế hệ sau tiếp nối tinh hoa từ thế hệ trước đồng thời không ngừng sáng tạo, nắm bắt xu hướng, thị hiếu khách hàng để đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, nghề chế tác đá nơi đây đã được duy trì, phát triển đến ngày nay.
Song song với việc không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, những người trẻ tiếp nối nghề truyền thống từ cha ông luôn tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh phân phối. Đối với nhiều người thợ sinh ra và lớn lên ở Hải Lựu, gắn bó với nghề đá truyền thống dù vất vả nhưng cũng là niềm tự hào được góp sức giữ gìn và phát triển một nghề đặc trưng của quê hương mình.
Hiện nay, Hải Lựu có Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Hòa Bình. Công trình thiết chế văn hóa, thể thao của thôn được khánh thành đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, thể thao của người dân, đồng thời mở ra cơ hội kết nối, phát triển du lịch ở địa phương. Hải Lựu vừa có làng nghề đá truyền thống, vừa có lễ hội chọi trâu đặc sắc được tổ chức hằng năm; đồng thời, có vườn cò mang đậm nét yên bình của làng quê Việt Nam. Vùng đất này còn có phong cảnh núi non hùng vĩ. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội địa phương và gợi mở hướng phát triển của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đây cũng là một trong những định hướng của địa phương trong thời gian tới.
Những ngày vừa qua, một số cơ sở sản xuất, hộ làm nghề truyền thống đá ở Hải Lựu bị ngập sâu do ảnh hưởng của bão số 3. Ước tính tổng thiệt hại của các cơ sở, hộ làm nghề khoảng 1 tỉ đồng. Để hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất trở lại, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra phương án cụ thể.
Với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng sự đồng hành của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng sẽ tạo động lực để người làm nghề đá truyền thống Hải Lựu tiếp tục khẳng định vị thế, phát triển sản phẩm theo hướng gắn với du lịch, dịch vụ, đưa sản phẩm của làng nghề tiếp tục vươn xa đến thị trường trong nước và quốc tế.
Tuyết Minh