Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển đất nước. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là một trong những giải pháp nhằm tạo chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung vào các chính sách cơ bản như: bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Vĩnh Phúc hiện có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và Thành phố Phúc Yên. Đông nhất là các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan và Dao. Bám sát quan điểm của Đảng, những năm qua Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện để phát triển, bảo tồn văn hóa các dân tộc. Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tại Vĩnh Phúc đã và đang thực sự là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những kết quả đạt được từ các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã góp phần tích cực tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, nâng cao đời sống sinh hoạt tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Qua những hoạt động có ý nghĩa được triển khai trong thời gian qua, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị; truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc ngày càng được củng cố, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường.
Đối với di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến các hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc trưng và phù hợp với điều kiện mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với thế hệ trẻ, củng cố niềm tự hào, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với di tích lịch sử văn hóa từng vùng miền. Có cơ chế phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền.
Thực tiễn cho thấy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế. Cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động du lịch, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng địa phương trong hưởng lợi, định hướng cộng đồng cư dân địa phương vừa thực hành kinh tế truyền thống, vừa tham gia kinh doanh du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch.
Các địa phương cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch di sản, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú homestay. Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch. Nhờ có doanh nghiệp, điểm du lịch di sản mới phát triển được. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp du khách, đồng thời cũng đóng vai trò hỗ trợ vốn cho cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng về cách thức tổ chức, kinh doanh hoạt động du lịch di sản. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch di sản.
Du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua. Để phát triển du lịch di sản hiệu quả đòi hỏi phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng và phù hợp với từng đối tượng du khách. Quy hoạch phát triển du lịch di sản cần theo hướng bền vững, hiệu quả để du lịch nói chung và du lịch di sản nói riêng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi mọn, là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Lê Dũng