Viêm đại tràng là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng do lớp lót bên trong ruột bị viêm. Ở người bình thường, đại tràng co thắt để thức ăn được tiêu hóa và đào thải phân không đau. Vậy những biểu hiện nào cho thấy bị viêm đại tràng?
Đau bụng do bệnh đại tràng có biểu hiện như nào?
Đại tràng là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Bộ phận này gồm những phần chính là: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng có chức năng chính là co bóp để đẩy chất thải và thức ăn đã tiêu hóa về phía trực tràng.
Khi đại tràng ở trạng thái khỏe mạnh, những cơn co thắt này hoàn toàn không gây đau đớn và khó nhận ra. Người bệnh chỉ nhận thấy triệu chứng đau khi đại tràng bị viêm, kích ứng, tắc nghẽn, gây ra các cơn co thắt mạnh.
Đau bụng viêm đại tràng thường đau âm ỉ hoặc đau quặn thắt vùng bụng dưới hoặc khung đại tràng. Thêm vào đó, chướng bụng, căng tức, nặng bụng, ợ hơi, tim đập nhanh và hồi hộp, căng thẳng cũng là biểu hiện của bệnh.
Khi đại tiện bị ra máu, phân lúc lỏng lúc rắn có mùi tanh hôi kèm chất nhầy hoặc máu và đau rát hậu môn bạn cũng cần phải nghĩ ngay đến bệnh này. Một dấu hiệu khác của bệnh là sút cân nhanh chóng do không hấp thụ được chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, khó thở.
Ngoài ra, bệnh viêm đại tràng nếu không điều trị dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần và chuyển sang mạn tính. Lúc này thường đau thắt vùng bụng dưới, vị trí đau lệch xuống dưới rốn và lan sang hai bên mạn sườn. Nếu đại tràng xuất huyết có thể bị thiếu máu gây chóng mặt, người xanh xao, tay chân bủn rủn.
Nếu viêm đại tràng dạng tiêu chảy: Thì cơn đau bụng dưới kèm theo hiện tượng đi phân lỏng, cơ thể mệt mỏi vì bị mất nước, không tự điều chỉnh được thời gian đi ngoài.
Đau bụng viêm đại tràng thường đau âm ỉ hoặc đau quặn thắt vùng bụng dưới.
Viêm đại tràng xuất huyết thì khi đi đại tiện kèm theo chảy máu tươi, chóng mặt, chân tay bủn rủn, toát mồ hôi lạnh.
Như vậy, những người bị viêm đại tràng có thể xác định bệnh thông qua vị trí cơn đau nằm ở vùng bụng dưới và tính chất cơn đau thường âm ỉ. Để chắc chắn hơn người bệnh cần phải tiến hành nội soi đại tràng hoặc siêu âm vùng bụng để xác định bệnh lý cũng như mức độ viêm nhiễm mà còn kịp thời điều trị khỏi.
Điều trị viêm đại tràng sớm hiệu quả cao
Chẩn đoán viêm đại tràng sớm ngoài các biểu hiện sớm thì bác sĩ cần tiến hành một số biện pháp chẩn đoán như: Xét nghiệm mẫu phân; nội soi mềm đại tràng… nhằm chẩn đoán chính xác để có biện pháp điều trị kịp thời.
Tùy từng nguyên nhân gây viêm đại tràng, từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Nếu người bệnh táo bón thì việc tự chăm sóc tại nhà bằng cách uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, ăn nhiều chất xơ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhuận tràng để cải thiện triệu chứng.
Đối với tình trạng đau bụng do tiêu chảy cấp tính, người bệnh cũng áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như xây dựng chế độ ăn riêng biệt hợp lý, uống nhiều nước hơn và tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm, thuốc không kê đơn để cải thiện triệu chứng.
Người bệnh bị đau bụng do hội chứng ruột kích thích có thể điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng.
Nhìn chung các tình trạng viêm đại tràng cơ bản được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Trong trường hợp mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, người bệnh cần điều trị tại bệnh viện bằng thuốc kháng sinh và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Kháng sinh cũng có thể được chỉ định sử dụng để điều trị nhiễm trùng …
Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng, xuất hiện biến chứng như rò, thủng, áp xe… người bệnh cần được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột kết hoặc trực tràng.
Ngoài ra, để khắc phục hay hạn chế bệnh viêm đại tràng, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý như: Hạn chế các sản phẩm từ sữa; ăn nhiều bữa nhỏ; uống nhiều nước; không dùng rượu, thuốc lá và đồ uống có chứa caffeine gây kích thích đường ruột, có một chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, thận trọng trong việc sử dụng thuốc giảm đau xương khớp cũng như thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc không kê toa.
Tóm lại: Viêm đại tràng có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong, thường gặp ở bệnh nhân viêm loét đại tràng và bệnh crohn. Các biến chứng như: chít hẹp đại tràng, rò ruột, áp xe đại trực tràng, thủng ruột hoặc phình đại tràng nhiễm độc. Vì vậy, khi có các biểu hiện đau bụng, táo bón, tiêu chảy… người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng về sau.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/viem-dai-trang-co-bieu-hien-nhu-the-nao-169240924153249301.htm