Trên thực tế, lựa chọn rút BHXH 1 lần người lao động sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc tiếp tục bảo lưu, đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Khi quyết định rút BHXH 1 lần người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng - nguồn thu nhập ổn định khi về già. Người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già. Thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí (bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời) khi không may người lao động qua đời.
Bên cạnh đó, số tiền người lao động nhận BHXH 1 lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Và quan trọng nhất, khi không rút BHXH 1 lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động; không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Với mong muốn người lao động trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHXH đối với cuộc sống người lao động khi về già; BHXH tỉnh đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với đơn vị sử dụng lao động tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho người lao động ngay từ khi người lao động đang làm việc tại đơn vị giúp người lao động nhận thức đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội để khắc phục khó khăn, không rút BHXH một lần nhằm đảm bảo chế độ hưu trí BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội.
Phương Anh