Cập nhật: 10/10/2024 20:54:00
Xem cỡ chữ

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực và của cả nước, thời gian qua Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án xây dựng hạ tầng KCN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ dẫn đến không có mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Từ đó, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên có diện tích cần giải phóng mặt bằng gần 300 ha, trong đó, phần lớn nằm trên địa bàn thị trấn Đạo Đức với 219 ha. Theo kế hoạch trong năm nay, phải giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 với 90 ha. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đang có nhiều vướng mắc do khó khăn trong quy chủ đất nông nghiệp đối với phần diện tích là đầm ngập nước, vấn đề di chuyển, quy hoạch nghĩa trang Nhân dân.

Tại KCN Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, mặc dù đã thu hút được hơn 70 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Song, cho đến nay, KCN vẫn còn khoảng gần 60ha đất chưa GPMB xong, trong khi nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư tại KCN này là rất lớn. Nguyên nhân chậm tiến độ GPMB phần lớn do chưa xác định được giá đất, chưa bố trí xây dựng khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi.

Huyện Bình Xuyên được tỉnh xác định là địa bàn trọng điểm trong phát triển công nghiệp và đã được quy hoạch 7 KCN. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện mới chỉ có 3 KCN cơ bản được lấp đầy, các KCN còn lại phần lớn đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB. Nguyên nhân chính được cho là chưa xác định được giá đất, thiếu đất san lấp, chưa giao đất, chưa bố trí được tái định cư cho các hộ dân có đất thu hồi.

Không chỉ các dự án xây dựng hạ tầng KCN tại huyện Bình Xuyên, nhiều dự án KCN tại các địa phương trong tỉnh cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như dự án KCN Tam Dương I - khu vực 2; Dự án KCN Sông Lô II, Dự án KCN Thái Hòa, Liễn Sơn, Liên Hòa. Đây đều là những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ rất lâu song do vướng mắc về công tác đền bù, GPMB, xác định giá đất, thiếu nguồn vốn thực hiện tái định cư, thiếu đất san lấp, việc định giá cho thuê đất đối với các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, 17 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 3.100 ha, trong đó có 09 KCN đã đi vào hoạt động. Trong công tác thu hút đầu tư, hiện Vĩnh Phúc có 473 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 142.000 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song nhìn chung việc triển khai các dự án hạ tầng KCN thời gian qua còn chậm, chất lượng hạ tầng một số dự án chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thực sự tầm cỡ có nguồn lực lớn, các dự án đầu tư thứ cấp tại các KCN có hàm lượng công nghệ cao không nhiều...

Chính vì vậy, tại hội nghị phát triển bền vững KCN do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 20/9 vừa qua, nhiều giải pháp đã được các nhà đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp và các sở, ngành địa phương đưa ra nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các ngành công nghiệp công nghệ cao hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Với quyết tâm cao nhất, bằng sự năng động và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cấp ủy chính quyền các cấp đang hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại của cả nước.

Hải Đăng