Bạo lực học đường là nỗi ám ảnh không chỉ với chính các em học sinh mà còn là mối quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Làm sao để ngăn chặn được nạn bạo lực học đường là nỗi trăn trở của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Thông tin về vụ bạo lực học đường xảy ra tại Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo thông tin từ nhà trường cho biết, vào lúc 14h40 ngày 7/10, vào giờ ra chơi, tại phòng học 206 nhà D, em Trần Trà M lớp 10A6 do có mâu thuẫn với em Trần Thu T cùng lớp nên đã xảy ra xô xát, đánh nhau bằng hung khí, dẫn đến em T bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Qua tìm hiểu nguyên nhân ban đầu, 2 em học sinh này khoảng gần 1 tuần gần đây có xảy ra mâu thuẫn, tranh luận nhau qua mạng xã hội.
Theo Chuyên gia Tâm lý học đường Lưu Thị Phương Loan - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - Giáo dục Chân Bảo nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường do các yếu tố nội sinh, ngoại sinh tác động, như ảnh hưởng của tâm lý tuổi dậy thì, ảnh hưởng từ gia đình, ảnh hưởng từ môi trường học tập và môi trường xã hội.
Chuyên gia Tâm lý học đường Lưu Thị Phương Loan cho rằng: giải quyết bạo lực học đường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự quan tâm, tham gia của gia đình, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Ngành giáo dục cần lồng ghép, tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, tâm lý học đường cho các em học sinh.
Để giải quyết bạo lực học đường, cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình để triển khai các biện pháp giáo dục hiệu quả. Bản thân mỗi học sinh cũng cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, chấp hành tốt nội quy trường, lớp, quy định của pháp luật.
Các gia đình cần thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con mình để biết được những vướng mắc trong học tập, cuộc sống, chủ động phối hợp với nhà trường để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn. Giáo viên cần thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của học sinh, nhất là giáo viên chủ nhiệm; có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời.
Lưu Trường