Cập nhật: 09/11/2024 21:42:00
Xem cỡ chữ

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với cơ chế, chính sách phù hợp trong lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh và đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn, làng nghề chế tác đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Nỗ lực gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Làng gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên có lịch sử hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, ấm chén. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm đã không còn hưng thịnh như trước. Trước thực trạng đó, để nghề gốm Hương Canh không bị mai một, tiếp tục “giữ lửa” thu hút lao động làm nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chương trình, chính sách gìn giữ và phát triển làng nghề này, trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất về chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao tay nghề...giúp các nghệ nhân, thợ giỏi gắn bó hơn với nghề gốm truyền thống của quê hương.

Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các hộ sản xuất gốm Hương Canh đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống chế biến nguyên liệu và lò nung để thay thế phương thức sản xuất thủ công trước đây. Nhờ đó, mỗi mẻ gốm ra lò, sản phẩm loại I đạt tỷ lệ lên đến 100%. Chất lượng sản phẩm đồng đều, đẹp, giá thành ổn định đã giúp cho sản phẩm gốm Hương Canh có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe ngày càng cao của thị trường. Không chỉ rất được ưa chuộng tại các thị trường trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hội An, thành phố Hồ Chi Minh mà các sản phẩm gốm này còn được xuất khẩu ra các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ thông qua các đại lý và kênh bán hàng trực tuyến.

Từ những nông sản sẵn có như ngô, đậu tương, muối, người dân Việt Nam đã làm nên một loại nước chấm nguyên chất đậm đà vị quê hương, nó mang một mùi vị riêng biệt không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào khác. Thứ nước chấm ấy từng vinh dự được gọi với cái tên “Tương tiến Vua”. Trước đây người dân trên khắp mọi miền quê đều thích dùng tương là thứ nước chấm chính trong các bữa ăn, gia đình nào cũng có chum tương riêng để dùng. Tuy nhiên, đến nay với sự thay đổi của cơ chế thị trường cùng sự xuất hiện của hàng loạt các loại nước chấm khác, nên số gia đình tiếp tục làm tương ngày một thưa dần, chỉ còn một số làng nghề truyền thống hoặc một số HTX còn duy trì sản xuất thứ nước chấm mang đậm vị quê hương này. Trong số đó có HTX Sản xuất và Chế biến lương thực thực phẩm sạch Thủy Phương ở xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch. Với mong muốn vực dậy sản phẩm truyền thống của quê hương Tiên Lữ, năm 2018, HTX Sản xuất và Chế biến lương thực thực phẩm sạch Thủy Phương được thành lập và đi vào hoạt động, với 8 hộ thành viên tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm với các sản phẩm chủ lực như : tương gạo nếp; dấm; cá thính; măng ớt; giò, chả. Hiện nay, HTX Sản xuất và Chế biến lương thực thực phẩm sạch Thủy Phương đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chủ lực của HTX là tương gạo nếp và dấm lên men từ rượu.

Với những bí quyết riêng và sáng tạo trong quá trình chế biến, sản xuất, sản phẩm tương gạo nếp của HTX Sản xuất và Chế biến lương thực thực phẩm sạch ở Tiên Lữ khác hẳn với tương Cự Đà Hà Nội, tương Bần Hưng Yên hay tương Nam Đàn Nghệ An... Hiện nay, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, sản phẩm tương gạo nếp của HTX được xuất bán ra một số tỉnh, thành lân cận, như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội... Mỗi tháng HTX xuất bán 500 thùng tương. Bên cạnh mặt hàng tương, HTX còn cung cấp ra thị trường hàng trăm thùng dấm ăn được lên men từ rượu được khách hàng đón nhận, sản phẩm này đã được Bộ khoa học công nghệ tặng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ai đã từng một lần về Lập Thạch, được thưởng thức món cá thính do người dân nơi đây làm ra đều không thể quên được hương vị của nó, quyện nơi đầu lưỡi, tan chảy trong vị thơm ngậy, lẫn vị thơm vàng của hạt thính. Ngày nay, cá thính Lập Thạch không chỉ là món ăn dân dã của người dân nơi đây, mà nó đã trở thành đặc sản của một vùng quê, một món ngon nổi bật trong nền ẩm thực xứ Bắc, một món quà dành cho người thân mỗi dịp được ghé qua Lập Thạch.

Lập Thạch là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Vĩnh Phúc, được thiên nhiên ưu đãi cho diện tích mặt nước lớn, đặc biệt là diện tích ruộng chiêm trũng, mỗi khi đến mùa nước lên phần diện tích này đem lại một nguồn lượng lớn tôm, cá... cho người dân nơi đây. Thế nhưng ăn không hết, người dân không biết làm sao để bảo quản thực phẩm tươi được lâu dài. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, người ta đã nghĩ ra cách chế biến đặc biệt dành cho cá để giữ được lâu hơn và ngày càng cải thiện được mùi vị, ấy là món cá thính. Không có một món cá nào khác lại sử dụng phương pháp chế biến đặc biệt này, nhờ vậy cá thính chính là món ăn có một không hai, có hương vị đặc trưng không đâu bì kịp.

Cá thính là món ăn được lên men từ thính ngô và muối - vốn được ví như của để dành của người dân Lập Thạch. Cá sống cắt khúc, rửa sạch rồi ướp với muối hạt, tỷ lệ cá và muối được người dân đong đo chính xác nhằm đảm bảo chất lượng cho món ăn. Sau khi ướp muối từ 5 - 7 ngày, cá được ướp với thính ngô giúp lên men đồng thời tạo hương vị cho món ăn trước khi xếp vào vại nén chặt. Sau từ 2 đến 3 tháng, cá thính có thể sử dụng. Nếu bảo quản đúng cách, món ăn có thể để được hàng năm trong điều kiện bình thường. Cá thính được các hộ tập trung sản xuất vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm khi nguồn cá tự nhiên dồi dào nhất.

Niềm vui cho những người làm cá thính tại Lập Thạch được nhân lên, khi mới đây, Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng” cho Cá thính Lập Thạch. Đây chính là động lực để những người làm cá thính tại huyện Lập Thạch tiếp tục quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa sản phẩm của mình ra thị trường.

Để thị trường sản phẩm cá thính được mở rộng, Hội Chế biến Cá thính Lập Thạch đã tăng cường các hoạt động nhằm phổ biến kiến thức, áp dụng một quy trình sản xuất, thống nhất phương pháp bảo quản đảm bảo chất lượng Cá thính cũng như tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Bản thân các hộ dân chế biến Cá thính cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cải tiến khâu đóng gói, giúp khách hàng thuận tiện khi mua sản phẩm mang về làm quà cho người thân cũng như bảo quản sản phẩm Cá thính được lâu hơn.

Lê Dũng