Cập nhật: 14/11/2024 07:05:00
Xem cỡ chữ

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo của 10 môn văn hóa và 7 môn ngoại ngữ sớm hơn gần 5 tháng so với các năm học trước tạo điều kiện thuận lợi, giúp các nhà trường chủ động trong quá trình dạy học và ôn tập, từ đó nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Triển khai ôn tập để đạt hiệu quả tốt nhất khi có đề tham khảo là nhiệm vụ được ưu tiên tại các nhà trường hiện nay. Cô giáo Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đề tham khảo có vai trò quan trọng trong việc định hướng quá trình ôn tập của giáo viên và học sinh.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn đang tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác ôn thi tốt nghiệp THPT 2025 cho giáo viên. Sau khi tập huấn, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhà trường đã chủ động triển khai cho giáo viên họp tổ, nhóm chuyên môn trên nền tảng cấu trúc đề tham khảo để phân tích, so sánh, đưa ra phương án dạy học, xây dựng nội dung ôn tập, bồi dưỡng học sinh sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Chia sẻ về việc triển khai ôn tập sau khi có đề tham khảo, thầy giáo Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) cho biết: Nhà trường tổ chức cho tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy từng môn học. Các nhóm chuyên môn xây dựng ngân hàng đề theo đề tham khảo.

Dự kiến, mỗi tháng nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra theo đề tham khảo ít nhất một lần nhằm làm quen với cách làm bài của dạng đề mới. Đây là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng giảng dạy của từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh trong dạy học, ôn tập phù hợp, kịp thời.

Tại Trường THPT Lục Ngạn số 1 (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, giáo viên các bộ môn có đề thi tham khảo tổ chức nghiên cứu, họp tổ, nhóm chuyên môn để tập trung phân tích cấu trúc, định dạng, phân bổ nội dung, mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng của đề thi tham khảo.

Trên cơ sở phân tích chi tiết đề thi tham khảo, cùng với yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tổ, nhóm chuyên môn thực hiện ngay việc điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung dạy học, hệ thống câu hỏi, bài tập, đề thi thử; phân tách nhỏ từng nhóm đối tượng học sinh để tổ chức hướng dẫn ôn tập khoa học, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự học và sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, các tổ, nhóm chuyên môn phân công giáo viên xây dựng mỗi môn một đề thi theo cấu trúc, định dạng đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức họp tổ, nhóm giáo viên để phản biện đề thi tham khảo.

Theo các chuyên gia giáo dục, đề thi tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đồng thời, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ yếu là lớp 12.

Về nội dung đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có một dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm); đồng thời, tăng cường tính phân hóa của đề thi ở tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi.

Vì vậy, việc các trường nghiên cứu kỹ đề tham khảo, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi để thấy được những điểm mới so với chương trình cũ; từ đó, có những điều chỉnh dạy học, ôn tập đúng trọng tâm, đạt hiệu quả.

Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhằm giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề thi tham khảo và triển khai các bước thực hiện xây dựng đề thi tham khảo trên tinh thần khoa học, chặt chẽ và trách nhiệm.

Nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, sát với chương trình, sát với quá trình tổ chức dạy và học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên đã tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên, các tác giả biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những người đã tham gia các đợt tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức...

Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi bốn môn, bao gồm hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, chỉ có duy nhất môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN  

https://nhandan.vn/chu-dong-viec-day-va-hoc-phu-hop-de-thi-tham-khao-post844379.html