Cập nhật: 04/12/2024 16:22:00
Xem cỡ chữ

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định triển khai đại trà việc dạy học thực hiện tích hợp liên môn (STEM) cấp tiểu học. Phương thức giáo dục này trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Chú thích ảnh

Sản phẩm STEM của học sinh trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).

Là một trong những trường tiểu học triển khai thí điểm giáo dục STEM sớm (từ năm học 2022 - 2023), Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, thành phố Nam Định có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Trường thiết kế phòng học STEM với diện tích rộng, thiết kế linh hoạt, đáp ứng các nội dung giảng dạy. Bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM được thực hiện ở tất cả các khối lớp. Hiện tại, toàn bộ giáo viên đã nắm vững quy trình dạy học STEM, học sinh đã hiểu vai trò của mình trong mỗi giờ học.

Em Vũ Hoàng Tuệ Minh, học sinh lớp 3A3 chia sẻ: "Nhờ sự hướng dẫn của cô giáo, em đã tự làm được các mô hình bằng những vật dụng tái chế của gia đình. Thông qua việc làm mô hình STEM, học sinh chúng em đã hiểu hơn về những kiến thức khoa học áp dụng trong cuộc sống. Đặc biệt, những bài học STEM giúp học sinh hứng thú học tập, hoàn thành các nội dung bài học...".

Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Trần Nhân Tông cho hay, với bài học STEM, học sinh được làm việc nhóm, chủ động đề xuất ý tưởng và tự chuẩn bị làm sản phẩm mà mình yêu thích. Để chuẩn bị cho tiết học STEM, giáo viên xây dựng các chủ đề với thời lượng bài giảng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khai thác triệt để nhất sự tò mò, thích thú của các em, giúp các em tiếp thu bài học và vận dụng vào cuộc sống hiệu quả nhất.

Để giúp các em kết hợp kiến thức của nhiều môn học làm ra những sản phẩm mang tính thực tiễn cao, trường đã tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Học sinh được làm và thuyết trình về sản phẩm STEM do chính mình sáng tạo, từ đây việc học khoa học trở nên lôi cuốn, trở thành cầu nối giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Thầy Vũ Văn Bền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông khẳng định, giáo dục STEM là một giải pháp giáo dục hiện đại, thiết thực, giúp học sinh kết hợp kiến thức các môn học và thực tiễn cuộc sống, tạo ra một không gian học tập mới kích thích tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh.

Chú thích ảnh

Giáo viên trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định) hướng dẫn học sinh làm sản phẩm STEM.

Áp dụng mô hình giáo dục STEM vào giảng dạy, Trường Tiểu học Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng hướng tới mục tiêu mở ra không gian sáng tạo, giúp học sinh hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Các tổ, khối chuyên môn lựa chọn nội dung giáo dục tích hợp thành chủ đề giáo dục STEM đảm bảo yêu cầu cần đạt được của môn học, vừa thực hiện được mô hình STEM phù hợp với các điều kiện, nguồn lực hiện có của trường. Năm học 2023 - 2024, mỗi tổ, khối lựa chọn và thực hiện 8 chủ đề bài học STEM.

Hào hứng với cách học mới, em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 5E nhìn nhận, giáo dục STEM rất phù hợp bởi gắn liền giữa việc vận dụng lý thuyết với thực hành, nhất là hình thành cho học sinh những kĩ năng, tư duy chủ động lĩnh hội, tiếp nhận kiến thức, vận dụng vào thực hành. Quá trình này, học sinh sẽ ghi nhớ sâu nội dung kiến thức được trang bị và việc học không còn cảm thấy gò bó, nhàm chán...

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thắng cho biết, do đặc điểm trường ở vùng nông thôn, việc chuẩn bị học liệu để làm sản phẩm STEM khá dễ dàng. Phụ huynh cũng ủng hộ hoạt động này, tích cực tham gia cùng học sinh. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 3 học sinh có sản phẩm đạt giải tại Hội thi Phát triển năng lực học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, cô giáo Đỗ Thị Thu Hương cho rằng, hiện nay, đội ngũ nhà giáo vẫn phải tự nghiên cứu, chưa tiếp cận được đầy đủ, bài bản về giáo dục STEM. Những khó khăn về cơ sở vật chất chưa đáp ứng hết yêu cầu, thời lượng tổ chức mỗi bài học STEM theo quy trình thiết kế kĩ thuật còn hạn hẹp, khiến giáo viên và học sinh chưa phát huy hết được khả năng sáng tạo của mình…

Chú thích ảnh

Học sinh trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định) làm sản phẩm STEM.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định thông tin, giáo dục STEM đã được nhiều trường tiểu học tại tỉnh giới thiệu, cho học sinh làm quen từ những năm học trước. Năm học 2024 - 2025, tỉnh Nam Định đã triển khai đại trà giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục.

Việc triển khai dạy học STEM bậc tiểu học đã đi vào nền nếp, giáo viên tích cực, chủ động nghiên cứu chương trình, tài liệu tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các tài liệu liên quan để lựa chọn chủ đề STEM ở cả 5 khối lớp, từ đó xây dựng và triển khai các bài học, hoạt động trải nghiệm STEM hiệu quả. Thực tế cho thấy, nội dung giáo dục STEM trong các nhà trường đã và đang thúc đẩy khả năng, tư duy sáng tạo của học sinh, đem đến môi trường, phương thức giáo dục tiên tiến, giúp các em có thể tự khám phá, phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.

Chú thích ảnh

Học sinh trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định) thuyết trình sản phẩm STEM.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả từ Chương trình giáo dục này, thời gian tới, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trong toàn tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch phù hợp, hiệu quả, tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, góp phần tạo hứng thú, khơi dậy niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học - công nghệ, phát huy tính tích cực, sáng tạo để lĩnh hội tri thức.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/giao-duc/phat-trien-kha-nang-sang-tao-cua-hoc-sinh-qua-pho-bien-giao-duc-stem-20241204152647430.htm