Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp "lạ".
Nhiều bất hợp lý lựa chọn môn học cấp THPT
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bản kiến nghị liên quan tới đổi mới giáo dục, trong đó có lựa chọn môn học và thi tốt nghiệp. Trong những nội dung về đổi mới GDPT, bản kiến nghị nhấn mạnh đến những bất cập trong chọn môn học ở bậc THPT.
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, so với Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT 2018 có những nét khác biệt như: Số môn học nhiều hơn, trong đó có một số môn học mới. Nội dung các môn học nâng cao hơn, khối lượng nhiều hơn; Một số môn học mới chủ yếu học "chay", ít được thực hành, thực tập.
Học sinh phải chọn các môn lựa chọn ngay từ đầu cấp trung học phổ thông, tức là phải khẳng định về định hướng chuyên môn sâu cho mình ngay từ khi vào trường THPT. Số lượng học sinh muốn được thay đổi môn học lựa chọn trong quá trình học THPT là khá khó khăn do không có các tổ hợp môn học lựa chọn mong muốn hoặc do sĩ số lớp các môn học lựa chọn đã quá đông.
Về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển sinh dự kiến của các trường đại học tạo sự nền tảng để học thành công ngành học ở bậc đại học nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại thuộc nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Việc bắt buộc học sinh ngay từ lớp 10 phải xác định các môn học lựa chọn và hầu hết khó được điều chỉnh trong quá trình học đồng nghĩa với việc buộc học sinh phải khẳng định sớm hướng chuyên môn sâu. Mặt khác, học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để lựa chọn môn học lựa chọn ở cấp THPT, rồi từ đó căn cứ vào các môn học lựa chọn để quyết định chọn cơ sở giáo dục đại học sẽ đăng ký tuyển sinh (trong khi các trường đại học còn chưa công bố phương án tuyển sinh), đây là một đòi hỏi vô lý.
Ngoài ra, nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và hệ lụy là chất lượng các ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học STEM sẽ giảm về số lượng và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trước mắt, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển đại học. Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc đại học phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc THPT.
Loại bỏ phương thức xét tuyển không đảm bảo chất lượng
Về hoạt động tuyển sinh đại học từ năm 2025, Hiệp hội dự đoán hoạt động tuyển sinh đại học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ có một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chịu ảnh hưởng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hạn chế các tổ hợp xét tuyển truyền thống do việc học môn lựa chọn và thi chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn.
Ngoài ra sẽ xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thường dưới tên gọi "đánh giá năng lực", "đánh giá tư duy" để phục vụ cho nhóm trường, nhóm ngành tuyển sinh có tỉ lệ cạnh tranh gay gắt.
Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của thí sinh THPT do các môn ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 có chuẩn đầu ra khác với chuẩn của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học công nhận xét đầu vào hiện nay. Từ đó gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều "lò luyện"… Và ảnh hưởng tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp "lạ".
Hội này cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm "xét tuyển sớm" hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện 'đủ" là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện "cần" theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các đại học, trường đại học tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.
Bộ GD&ĐT cũng cần chỉ đạo các đại học, trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành "hot"....
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/can-loai-bo-cac-phuong-thuc-tuyen-sinh-khong-bao-dam-chat-luong-dau-vao-169241204170137053.htm