Hiện nay, tại nhiều bệnh viện, số ca nhập viện do nhiễm cúm, đặc biệt là cúm A đang tăng đột biến, trong đó không ít trường hợp biến chứng nặng. Vì vậy, các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống dịch cúm lây lan cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Đồng Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, toàn trường ghi nhận hơn 30 học sinh mắc cúm A. Để hạn chế nguy cơ lây lan trên diện rộng, nhà trường đã yêu cầu giáo viên tăng cường nắm bắt thông tin, phối hợp với phụ huynh theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của trẻ. Hằng ngày, trước khi vào bài giảng, giáo viên chủ động nhắc nhở, giáo dục học sinh các biện pháp phòng chống, đồng thời, cho các học sinh có dấu hiệu mắc cúm nghỉ học để tránh lây lan sang các học sinh khác.
Đối với trẻ mầm non rất dễ mắc cúm và nguy cơ lây lan nhanh, chính vì vậy, các Trường mầm non đã chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tích cực phối hợp với phụ huynh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tăng cường giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe, giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ, góp phần để trẻ phát triển toàn diện. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chia ăn; thay đổi thực đơn đảm bảo phù hợp với trẻ.
Cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, tạo ra các giọt bắn chứa virus. Ngoài ra, virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật trong nhiều giờ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc tay-mắt, tay-miệng nếu không rửa tay thường xuyên. Môi trường giáo dục đông người, trẻ nhỏ sức đề kháng kém, vì vậy, nếu không có biện pháp phòng tránh thì rất dễ lây lan. Do đó, việc chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch cúm trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay tại các trường học là việc làm rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho học sinh đến trường.
Thu Hoài