Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp, yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đối với một địa phương có nền kinh tế mở, năng động như Vĩnh Phúc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 5 Trường Cao đẳng nghề, 3 Trường Trung cấp nghề, 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 2 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 Trường Đại học. Năm 2024, toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 28.000 người, với các nhóm ngành đào tạo chủ yếu gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, quản trị máy tính; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, có trên 80% học sinh, sinh viên đã tìm kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo cũng như nhân lực kỹ thuật cao sẽ ngày càng tăng do định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đối với các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu về điện tử, sản xuất ô tô, xe máy; công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến tuyển dụng gần 2,2 vạn lao động.
Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; theo đặt hàng của doanh nghiệp cũng như tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo, ký cam kết đào tạo với doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp.
Sáng ngày mai (24/4), tại Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp sẽ diễn ra Hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc . Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với việc kết nối thị trường lao động tại địa phương, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn quốc đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu thế chuyển đổi số, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 với nền tảng từ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngọc Anh