Tết đến, nhà nào chẳng treo đèn, kết hoa, sửa sang bàn thờ, lo những chậu quất, cành đào, cỗ bàn cho thật ưng ý. Nhưng Tết lại cũng không thể thiếu câu đối xuân được. Câu đối lại cần có người viết chữ, chữ đẹp thì càng đắt giá.
Làm câu đối, không quy định chữ, dài ngắn đều được, có điều phải tuân theo một số quy định, như đối phải chỉnh, phải đúng lối bằng, trắc, và các lối đối. Câu cách cú, có hai vế, mỗi vế gồm hai đoạn đối, ngắn dài tiếp nhau. (Thí dụ: Ngói đỏ lợp nghè // lớp trên đè lớp dưới. Ðá xanh xây cống // Hòn dưới nống hòn trên). Câu gối hạc (hạc tất), mỗi vế có từ ba đoạn trở lên như chân con hạc. (Thí dụ: Nào thuở trước dưới rừng cây. Nghe nhạc ngựa // thấp thoáng bóng dù dáng kiệu // những than dài chí cả trượng phu. Mà đến nay ngồi bệ ngọc ngắm tranh người // xôn xao đầu mũ gót hài // lại làm khoảng ngôi sang hoàng đế), v.v.
Người dân Trung Quốc thường nhớ đến bài thơ nổi tiếng Nguyên đán của Vương An Thạch đời Tống. Thơ có nhắc đến chuyện câu đối Tết như sau: "Pháo trúc kêu vang hết một năm. Rượu Ðồ Tô uống đón mừng xuân. Hỡi xuân nồng hậu, muôn nhà sáng. Thả đào tống cựu, đón bình an". Thẻ đào chính là câu đối. Nhưng có nhà nghiên cứu thì cho là câu đối xuân đã có trước đó nhiều.
Có một năm nhà thư pháp trứ danh Vương Hi Chi đời Tấn chiều ba mươi Tết, cho treo đôi câu đối, chữ rất đẹp. Nhưng ai đến xem thưởng thức thì đều không hiểu sao ông lại chơi đôi câu đối Tết thế này, xem ra toàn chuyện không hay. Vế một là Phúc vô song chí (Phúc không đến hai lần). Vế hai là họa bất đơn hành (Họa chẳng đi một mình). Ðọc rồi, mọi người đều cau trán bỏ đi. Nhưng đến hôm sau, phần gỗ đào ở phía dưới mới được Vương Hi Chi viết tiếp như sau (dịch):
Phúc không đến cặp, sớm nay đến.
Họa chẳng đi xuông, tối trước đi.
thì lại là đôi câu đối thật hay, vừa ỡm ờ lại vừa độc đáo...
Trong Từ điển Trung Quốc ghi: Ngày trước, đến tết dân chúng thường lấy gỗ đào khắc lên hai vị thần là Trần Trà và Quách Lũy, theo ngoài cửa để đuổi tà ma. Sau đó thay bằng giấy vẽ. Ðến đời Hậu Thục thì phát triển thành câu đối. Người có câu đối đầu tiên treo ở đời Hậu Thục là Mạnh Xưởng. Ðó là câu: "Tân niên khai dư khánh, giai tiết hạ trường xuân", nghĩa là: "Năm mới bầy tiệc lớn. Tiết đẹp mừng xuân dài"...
Ở Việt Nam, tục chơi câu đối Tết cũng từ nhiều thế kỷ trước. Câu đối cửa miệng quen thuộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tết xưa, câu đối gánh về bán tận làng, hoặc bày bán đầy trong các cửa hàng ở chợ Tết. Nhà giàu, mua thêm đôi câu đối hay trang hoàng hoặc thờ trong nhà.
Câu đối thường làm bằng gỗ tốt, sơn then hoặc sơn sen, chữ vàng, được bán sẵn, phần lớn là trên gỗ phẳng, cũng có khi hình cong ốp vào cột, nổi bật hơn. Câu đối chơi có khi khắc hoa văn điểm tô ở đầu và chân từng vế, còn hình thức thì khắc theo hình quả bầu, quả bí khá đẹp. Có đôi còn khảm trai, khá đắt tiền...
Những người hay chữ, thường dùng mực nho tốt, giấy điều, tự nghĩ ra câu đối mình ưng, hợp với cảnh nhà mình mà viết ra...
Nhiều câu đối Tết xưa được lưu truyền như của Nguyễn Công Trứ:
* Chọc trời ngất một cây nêu, hết tối ba mươi, gì cũng tết.
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một, thế là xuân.
* Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà...
Của Nguyễn Khuyến:
* Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang
Ngày nay, nhiều nhà thư pháp, dân chúng vẫn còn thú chơi câu đối tết. Không những câu đối viết bằng chữ Hán mà còn viết bằng chữ Việt nữa khá bay bướm. Trên các tờ báo tết, mục câu đối cũng là một nhu cầu của bạn đọc, không thể thiếu được.