Bước vào năm học mới, cùng với niềm vui khai trường của con em thì những khoản thu đầu năm học luôn là nỗi niềm của các bậc phụ huynh học sinh. Khi ngoài các khoản thu theo quy định thì còn hàng loạt các khoản thu khác mang tên “tự nguyện” khác kèm theo khiến số tiền đóng góp đầu năm cứ thế đội lên. Và mặc dù hài lòng nhưng chính phụ huynh lại là người “tiếp tay” cho việc lạm thu ở các nhà trường.
Đằng sau niềm vui đến trường là nỗi lo của phụ huynh về các khoản thu.
Chị Nguyễn Thị Thu, Phường Khai Quang có hai con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Năm nào cũng vậy cứ vào đầu mỗi năm học là hai vợ chồng chị lại đau đầu lo tiền cho con. Ngoài các khoản cứng mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, học phí và các khoản thu theo quy định thì sau mỗi cuộc họp phụ huynh còn hàng loạt các khoản thu khác, tổng các loại mỗi cháu lên đến vài triệu đồng. Đơn cử như tiền đóng góp mua điều hòa, tiền rèm cửa phục vụ các con, học sinh lớp 1 vào đều phải đóng, mặc dù lớp con chị đã có điều hòa cũ từ các khối trước ra trường để lại nhưng nhà trường vẫn thu. Hay tiền mua ghế, tiền quỹ lớp, quỹ trường, thậm trí cả tiền trang trí lớp học… tất cả đều mang tên “tự nguyện” hay “xã hội hóa” nhưng vẫn có mức thu cụ thể mà hầu như phụ huynh nào cũng phải đóng”.
Với những phụ huynh gia đình có điều kiện kinh tế đảm bảo, việc đóng thêm vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho các khoản thu đầu năm học là việc “trong tầm tay”, tuy nhiên, với những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, cùng lúc có 2-3 con theo học thì việc đóng thêm mấy chục nghìn cho một khoản thu lại là nỗi lo lớn. Chị Trần Thị Dung, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch cho biết: “Cả 3 cháu nhà tôi đều đang trong độ tuổi đi học, 1 cháu học mầm non, 1 cháu học THCS, 1 cháu học THPT. Cứ vào đầu năm học, tổng chi phí từ mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… cho tới nộp các khoản thu đầu năm cho các cháu lên tới cả chục triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng tôi chỉ làm ruộng, để đủ tiền chi phí cho các cháu, tôi phải làm thêm, rồi vay mượn mới đủ”.
Mặc dù có nhiều bức xúc, nhưng đa phần các phụ huynh đều lẳng lặng cho qua bởi tâm lý nếu mình không đóng thì liệu rằng con mình có bị trù úm không, hay cô giáo không quan tâm tới con mình như các bạn trong lớp… và rất nhiều lý do khác mà các bậc phụ huynh lại chính là người đứng ra đóng góp trên tinh thần “tự nguyện” nhưng thực chất bản thân lại không tự nguyện chút nào. Hơn thế nữa, hiện nay các trường học đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp với vai trò phối hợp với nhà trường, lớp học để triển khai các biện pháp quản lý giáo dục học sinh và triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh dường như chỉ được biết đến với nhiệm vụ tổ chức thu các khoản tiền của phụ huynh trong lớp dưới danh nghĩa thỏa thuận hoặc tự nguyện. Có lẽ bởi vậy mà có đã có nhiều người gọi hội này là "hội phụ thu". Và việc những khoản thu mang tên “xã hội hóa” đó được chi như thế nào và hiệu quả ra sao thì hầu như các phụ huynh không hề biết hoặc cũng không quan tâm. Một thực tế nữa là chưa có một địa phương nào có quy định cụ thể về các khoản tự nguyện thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, mà đều do các Ban ở từng trường tự đặt ra.
Trước nỗi lo của phụ huynh về lạm thu, những năm gần đây, vào đầu mỗi năm học, trên cơ sở thống nhất các mức thu với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo đều văn bản hướng dẫn các khoản thu trong nhà trường. Quy định rõ mức thu cho các khoản theo quy định như: Học phí, phí trông giữ xe đạp, tiền bảo hiểm y tế, phí dự thi, dự tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… Các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục phải được theo dõi, phản ánh tình hình thu, chi trên hệ thống sổ sách kế toán theo quy định. Ví dụ, tiền ăn, quản lý học sinh bán trú buổi trưa do cha mẹ học sinh thỏa thuận với nhà trường trên cơ sở lấy thu đủ chi; nhà trường có trách nhiệm tổ chức ăn, nghỉ cho học sinh đảm bảo quy định về vệ sinh, an toàn; thu, chi tiền phục vụ học sinh bán trú phải quyết toán công khai với phụ huynh học sinh vào mỗi kỳ. Đối với các khoản thu của các tổ chức vận động thông qua nhà trường như: Tiền bảo hiểm thân thể, tiền quỹ khuyến học, quỹ đội, quỹ hội cha mẹ học sinh, quỹ lớp… do các tổ chức trực tiếp thu, quản lý trên nguyên tắc tự nguyện. Ngoài các khoản thu nêu trên, riêng việc huy động nguồn đóng góp hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất trường học hoặc phục vụ trực tiếp cho học sinh, khi vận động, quản lý, sử dụng khoản đóng góp này, phải thực hiện đầy đủ theo trình tự: Thống nhất chủ trương, kế hoạch triển khai trong Ban Giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh bằng văn bản; lập kế hoạch công việc nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động, cách thức tổ chức thực hiện… niêm yết công khai tối thiểu 7 ngày để tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh; báo cáo với UBND cấp huyện, cấp xã để xin chủ trương và chỉ được tiến hành thực hiện khi có sự đồng ý của UBND các cấp; khi hoàn thành công việc, các đơn vị phải quyết toán công khai số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Ngoài các khoản được Sở Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn trong văn bản, các nhà trường không được thu thêm bất cứ khoản nào khác; hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi trong trường học.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong, huyện Bình Xuyên cho biết: “Mọi khoản đóng góp tự nguyện đầu năm tại nhà trường đều được thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, các khoản thu đều được chính quyền địa phương thông qua rồi nhà trường mới tiến hành thu”.
Để không còn tình trạng lạm thu không xảy ra, cơ quan quản lý các cấp cần tích cực hơn nữa trong công tác quản lý thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục; có phương án thanh tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, không để xảy ra bức xúc trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Cùng với đó, phụ huynh học sinh cũng cần lên tiếng đối với những khoản thu chưa rõ ràng, không thực sự cần thiết của các cơ sở giáo dục để những đồng tiền đóng góp cho sự nghiệp giáo dục phải thật sự hiệu quả, thiết thực, không còn là “nỗi niềm” của riêng ai./.
Thu Hoài